Cùng đi có đồng chí Phạm Thị Hồng, TUV, Giám đốc Sở Công thương. Làm việc với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có các đồng chí lãnh đạo huyện Hoa Lư, xã Ninh Hải; các doanh nghiệp thêu ren đóng trên địa bàn và ông Chu Văn Lượng, nghệ nhân cao tuổi của làng nghề.
Trước khi đi thăm các doanh nghiệp: Vinataco, Minh Trang… đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nghe lãnh đạo xã Ninh Hải báo cáo vắn tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phát triển nghề thêu của xã. Năm 2011, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã là: Nông nghiệp chiếm 20-25%, dịch vụ du lịch và tiểu thủ công nghiệp chiếm 75-80%. Trên địa bàn xã đón 298.989 lượt khách; 2 tháng đầu năm 2012 đón 64.604 lượt khách, trong đó có 37.429 lượt khách Quốc tế; khách lưu trú đạt 3.254 lượt người. Thôn Văn Lâm có 1.295 số đò, 1.125 hộ chở đò và 1.500 lao động làm dịch vụ chở đò, 360 thợ chụp ảnh, 42 lao động bán hàng phục vụ khách du lịch; có 6 khách sạn, 12 nhà hàng, 7 nhà nghỉ…
Thôn Văn Lâm có nghề thêu ren truyền thống, hiện vẫn dược duy trì với các sản phẩm đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Văn Lâm hiện có 2.100 lao động biết thêu (đạt 100% số lao động). Những năm gần đây, nghề thêu Văn Lâm còn được truyền sang các thôn, làng khác ở trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn hiện có 7 doanh nghiệp và hơn 20 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, hoạt động ở lĩnh vực thêu ren với khoảng 1.500 lao động. Thu nhập của người lao động làm nghề thêu đạt từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng; có lao động đạt tới 2,5-3 triệu đồng/người/tháng… Để nghề thêu Văn Lâm phát triển mạnh hơn, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đề nghị tỉnh và các ngành chức năng quan tâm, giúp đỡ xây dựng thương hiệu nghề thêu Văn Lâm, xây dựng làng thêu ren và giới thiệu sản phẩm thêu gắn với du lịch; hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ vui mừng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của xã trong năm qua và nhấn mạnh: Việc xã tập trung phát triển du lịch, dịch vụ du lịch và nghề thêu ren đó là hướng đi đúng, nhất là khi Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là một phần của danh thắng Tràng An mà tỉnh đang hướng đến đề nghị công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm thêu ren của thôn chưa có thương hiệu, chính quyền thôn, xã và hội thêu ren xã cần xúc tiến ngay việc đăng ký thương hiệu. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn phối hợp giúp đỡ việc này. Cần chú ý đến mẫu mã, thiết kế mẫu cho nghề thêu. Việc quảng bá sản phẩm cũng cần được các doanh nghiệp, hội nghề thêu chủ động thông tin tuyên truyền trên mạng, cơ quan thông tin đại chúng. Đồng chí đề nghị huyện Hoa Lư, Sở Công Thương xem lại đề án phát triển làng nghề Văn Lâm, sớm báo cáo tỉnh, nhưng quy mô có thể co lại và đảm bảo được yêu cầu gắn với du lịch. Vấn đề xây dựng công trình xử lý nước thải, khi có làng nghề tập trung phải có, khi ấy kêu gọi đầu tư hoặc sử dụng vốn ngân sách. Sở Công thương xây dựng trang thông tin, Video clip, quảng bá sản phẩm thêu ren và nghề thêu ren của Văn Lâm trên mạng…
Đinh Chúc