Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về thăm thôn Đồng Bài, anh Bùi Văn Du, cán bộ văn hóa xã Quảng Lạc nói: Nếu như cách đây vài năm thì vào những ngày mưa gió, khách không thể đến được với Đồng Bài. Con đường từ trung tâm xã dẫn về thôn không xa, song đó là con đường đất nên ngày nắng thì bụi bẩn, ngày mưa thì lầy lội. Cách đây gần 3 năm, khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân trong thôn đều đồng lòng, chung sức đóng góp thêm ngày công lao động, thêm tiền để hoàn thiện con đường. Đến nay, con đường từ xã dẫn về thôn đã được đổ bê tông kiên cố. Thấp thoáng trong những vườn cây xanh hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng, nhà mái ngói đỏ tươi; nhiều hàng quán ven đường mọc lên đã tạo điều kiện cho bà con trong thôn giao thương thuận lợi mà không còn phải vất vả đi phiên chợ xa. Ngôi nhà 2 tầng khang trang của trưởng bản Bùi Hồng Y hiện ra giữa vườn cây trái xum xuê quả ngọt. Ông Y bảo, trận bão số 1 vừa rồi khá mạnh nên gây thiệt hại cho bà con trong thôn. Tuy nhiên, không còn tình trạng đổ nhà, đổ cửa mà chỉ là thiệt hại về cây cối, hoa màu. Trước đây, Đồng Bài là thôn nghèo nhất, nhì xã. Bà con làm nông nghiệp, song canh tác manh mún nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, bà con lại không có việc làm thêm lúc nông nhàn nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo lên hơn 20%, nhiều trẻ em phải bỏ học giữa chừng. Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Ngày nay, cuộc sống của đồng bào trong thôn đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, những hộ nghèo đều là do người già đứng chủ hoặc bị ốm đau triền miên. Có được kết quả đó là do địa phương đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do ủy ban MTTQ Việt Nam phát động. Muốn bà con tích cực hưởng ứng cuộc vận động thì trước mắt phải giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Theo đó, địa phương tích cực vận động bà con thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp. Ruộng không còn manh mún nữa, bà con dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, lựa chọn những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những hộ khá giả còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống, vốn để hỗ trợ những hộ khó khăn. Ngoài ra, thôn còn vận động những hộ có lao động sẵn sàng hỗ trợ những gia đình khan hiếm lao động trong những ngày mùa vụ để việc gieo cấy, thu hoạch kịp thời trong khung thời vụ. Kinh tế ổn định, việc vận động bà con trong thôn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cũng thuận lợi hơn. Bằng sự hỗ trợ, chung tay của đồng bào, đến nay thôn đã xây dựng được nhà văn hóa. Tuy chưa phải đã khang trang, hiện đại song nhà văn hóa đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi diễn ra các buổi họp và là ngôi nhà chung của cả thôn. Những dịp lễ, tết, thôn còn tích cực đưa các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Mường vào cho bà con tham gia. Đồng bào không kể già, trẻ, gái, trai ai cũng tích cực hưởng ứng và càng thêm phấn khởi tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Bùi Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết, từ điển hình trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của bà con thôn Đồng Bài, chúng tôi đã nhân rộng các nhân tố tích cực tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ đến các thôn khác trên địa bàn. Phong trào xóa đói, giảm nghèo được 8/8 thôn của xã hưởng ứng. Theo đó, các địa phương đã đẩy mạnh sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đồng hành cùng nhân dân trong xã, các tổ chức hội kết hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Phụ nữ quản lý cho vay gần 3 tỷ đồng, Hội Nông dân gần 3 tỷ đồng, Đoàn thanh niên gần 4 tỷ đồng… Tùy vào lợi thế của địa phương, nhiều hộ sử dụng đồng vốn vào việc mở rộng trang trại chăn nuôi, trồng ớt xuất khẩu như thôn Đồng Thanh, thôn An Ngải, Đồng Bông… cho hiệu quả kinh tế cao. ở thôn Quảng Thành và Đồng Bông thì chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, nhiều thôn trồng mía, trồng rừng và cây công nghiệp, sắn dây cho thu nhập cao kết hợp với nuôi nhím, gà thả vườn, lợn cắp nách ở thôn Quảng Cư, nuôi hươu, dê ở thôn Đồng Bông… đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 8,89%.
Kinh tế ổn định, bà con dân tộc Mường càng có điều kiện thực hiện tốt các phong trào do Nhà nước, địa phương phát động. Điển hình là phong trào xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân tích cực hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động để tập trung xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa và nhiều công trình phúc lợi khác, đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang. Đến nay, toàn xã có 8/8 thôn có nhà văn hóa, có 6/8 khu dân cư văn hóa, trong đó có 4 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa từ 10 năm liền trở lên. Vào dịp lễ, Tết, tại các nhà văn hóa thôn đã diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Mường như: đánh cồng chiêng, đẩy gậy, đi cà kheo, hát đúm, ném còn… được đồng bào yêu thích và nhiệt tình tham gia. Bên cạnh việc khơi dậy các nét đẹp truyền thống của đồng bào Mường, địa phương còn vận động nhân dân bài trừ những hủ tục, tập quán lạc hậu. Nhiều khu dân cư đã đưa vào hương ước, quy định: không tiếp thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội, hội nghị. Việc tang tổ chức trang trọng, chu đáo nhưng gọn nhẹ, không để thi hài trong nhà quá 48 tiếng, không rải tờ tiền dọc đường gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt các khu dân cư có quy ước đóng góp bơ gạo nghĩa tình hỗ trợ các gia đình khó khăn trong việc chi phí cho đám tang và còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm...
Bài, ảnh: Đào Hằng