Đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường công tác quản lý nhà nước cùng như triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và triển khai thực hiện 05 Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như: công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; công tác phòng ngừa, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm an ninh trong lĩnh vực y tế và trong phòng ngừa với các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản…góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.
Cùng với việc tham gia với vai trò nòng cốt cùng các cơ quan, ban ngành chức năng triển khai thực hiện hơn 1.000 lượt thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ liên quan đến bảo vệ môi trường của các cơ quan doanh nghiệp thông qua việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các hoạt động nghiệp vụ.
Từ khi thành lập đến nay đơn vị đã phát hiện, bắt, xử lý 360 vụ với 71 tổ chức và 319 cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm.
Đã xử lý hình sự 12 vụ, 28 bị can, trong đó 01 vụ, 4 bị can vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường; 3 vụ, 16 bị can mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản; 8 vụ, 8 bị can vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Xử lý hành chính 348 vụ, 71 tổ chức, 291 cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường, nhập ngân sách trên 8,8 tỷ đồng.
Điển hình là qua công tác trinh sát đã phát hiện bắt quả tang, chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn Tấn, sinh năm 1979 và Vũ Đức Thuận, sinh năm 1977 đều trú tại Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vận chuyển trái phép trên 25 m3 gỗ gồm lim, táu, sến…thuộc các nhóm gỗ quý hiếm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc từ Hà Tĩnh ra Thành phố Ninh Bình tiêu thụ.
Phát hiện vụ xe ô tô biển kiểm soát 29Y - 9189 do Phạm Danh Kỳ ở Hà Nội điều khiển chở 238 kg rác thải y tế như dây chuyền dịch, bơm kim tiêm chưa qua xử lý, thuộc danh mục chất thải nguy hại bị cấm; phát hiện, bắt quả tang xe ô tô biển kiểm soát 36M - 1848 vận chuyển trái phép 2 cá thể hổ có tổng trọng lượng 226 kg thuộc danh mục động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; 11 bộ xương Báo gấm, Báo hoa mai có tổng trọng lượng 35 kg từ Thanh Hóa ra Ninh Bình tiêu thụ, chuyển cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 2 đối tượng là Lê Ngọc Bài, sinh năm 1971, trú tại phường Nam Ngạn và Lê Xuân Hợp, sinh năm 1970, trú tại phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa về hành vi vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm.
Ngày 5/6/2015, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 315 triệu đồng đối với một Công ty có đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn về hành vi lắp đặt 5 đường ống ngầm để xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.
Đặc biệt, trong tháng 8/2010 thông qua công tác trinh sát, đơn vị đã phát hiện, xác lập và phá thành công chuyên án 810N, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép 6.720 kg thuốc nổ, 5.067 kíp thuốc nổ để khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại xã Đức Long, huyện Nho Quan.
Vụ án đã được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần tích cực vào việc giáo dục, răn đe, ổn định và kiềm chế tình trạng khai thác trái phép khoảng sản làm vật liệu xây dựng ở địa phương, gây bất bình trong nhân dân.
Thực tế nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp… Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân chưa tốt, hệ thống văn bản pháp luật quy định trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, bởi đây là lĩnh vực mới.
Nhận thức được điều đó, 5 năm gần đây, trong chương trình công tác hàng năm của Công an tỉnh, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, cấp ủy và lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường đã và đang tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình để tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Chủ động mở các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm và phối hợp chặt chẽ với ban ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm và triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm, tập trung vào các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm như lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản; các khu, cụm công nghiệp, các điểm du lịch, nơi diễn ra lễ hội, vui chơi giải trí…
Qua đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị mũi nhọn trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, vì một môi trường xanh, sạch, đẹp, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trịnh Xuân Bình ( CA tỉnh)