Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh được thành lập từ năm 2006. Đến năm 2011, nhằm đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh được đầu tư trên 34 tỷ đồng để xây dựng trụ sở trên diện tích 1,6 ha. Hiện nay, một số hạng mục công trình đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng gồm khu lớp học, xưởng thực hành…. Cơ bản, Trung tâm đã đủ điều kiện dạy một số nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp, có khả năng liên kết đào tạo. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm cho biết, trước khi Trung tâm dạy nghề đi vào hoạt động, công tác dạy nghề của huyện chủ yếu theo chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật do các doanh nghiệp tự đào tạo công nhân để làm việc tại nhà máy; người lao động tự tìm và học nghề… Sau khi chính thức đi vào hoạt động, với nhiệm vụ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, Trung tâm dạy nghề đã nỗ lực đưa công tác dạy nghề của huyện từng bước chính quy, dần trở thành địa chỉ đào tạo nghề tin tưởng của lao động nông thôn. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã tạo thuận lợi hơn cho công tác đào tạo nghề của huyện.
Tuy nhiên, cũng giống như những trung tâm dạy nghề cấp huyện khác, Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi thời điểm những năm đầu mới triển khai Đề án 1956, nhiều bất cập trong công tác dạy nghề đã bộc lộ như: chưa chọn được những nghề phù hợp; công tác tuyên truyền về lựa chọn nghề học cho người lao động ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Các địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn nghề, thường chọn những nghề truyền thống như: cấy lúa, chăn nuôn lợn… nên chưa tạo ra sự đột phá trong đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động còn hạn chế trong tiếp cận thông tin về nghề, thị trường lao động dẫn đến thụ động trong lựa chọn nghề. Một khó khăn nữa, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy ở các trung tâm dạy nghề còn thiếu đồng bộ…
Trước thực trạng đó, Trung tâm đã xác định phải có hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Muốn vậy, phải làm theo phương châm "chậm nhưng chắc". Những lớp dạy nghề được mở ra chỉ khi đảm bảo chắc chắn được việc làm cho người lao động, hoặc người lao động có thể tự tạo việc làm cho bản thân. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương và người lao động hiểu được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hút học viên, Trung tâm tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; đồng thời bổ sung và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, liên kết với các giáo viên có tay nghề cao, có kinh nghiệm trong công tác dạy nghề. Trung tâm cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, làm căn cứ xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề phù hợp với từng địa phương.
Đối với lao động trẻ thì định hướng học những nghề nhằm phục vụ chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, giúp họ có thể vào làm việc tại khu công nghiệp như: hàn, may công nghiệp, điện dân dụng… và các nghề phục vụ cho học viên đi xuất khẩu lao động. Đối với những lao động lớn tuổi thì hướng học những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng trọt, đan lát… phù hợp với sức khỏe, trình độ, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề và người học nghề được tham quan, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề, kinh nghiệm thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao kiến thức thực tế cho cả giáo viên dạy và người học. Để thuận tiện cho lao động nông thôn học nghề, Trung tâm thực hiện mô hình dạy nghề được tổ chức tại xã hoặc cụm xã, từ đó lao động không phải di chuyển xa, có thể tranh thủ giải quyết công việc của gia đình.
Với những nỗ lực đó, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh đã tổ chức trên 50 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 2.000 lao động, tập trung vào các nghề: may công nghiệp, đan cói, bèo bồng, bẹ chuối; đính hạt cườm; nuôi và phòng trị bệnh cho gà; trồng rau an toàn; trồng và nhân giống nấm… Theo khảo sát, có trên 70% lao động có việc làm sau đào tạo, hoặc có thể tự tạo việc làm. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Trung tâm sát hạch lái xe Ninh Bình tổ chức đào tạo cấp bằng lái xe A1 cho gần 1.500 người; liên kết đào tạo tin học cho 200 lượt cán bộ, công chức cấp xã; phối hợp với Công ty Samsung tuyển gần 100 lao động đi làm việc….
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng