Theo báo cáo của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2.408 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 62 đối tượng so với cuối năm 2015. Các loại ma túy do người nghiện sử dụng là: heroin 1.372 đối tượng, ma túy tổng hợp 915 đối tượng, tăng trên 500 trường hợp so với năm 2015.
Theo ông Đào Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, tình hình người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ và khó kiểm soát. Các đối tượng lợi dụng tiệc sinh nhật, liên hoan, đám cưới để thuê nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke tổ chức sử dụng ma túy, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và đấu tranh. Qua phân loại, có đến 80% số người nghiện mới phát sinh là người nghiện ma túy tổng hợp, chủ yếu trong độ tuổi từ 18-30, đặc biệt trong số người nghiện ma túy tổng hợp còn có cả học sinh, sinh viên. Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng số người nghiện mới trên địa bàn tỉnh mà đáng lo ngại hơn là việc sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gây ra những tác hại rất lớn về việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Vì việc sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá không chỉ gây nghiện mà còn khiến cho những người sử dụng có dấu hiệu bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần nếu sử dụng trong thời gian dài. Đối với người đã từng nghiện heroin khi chuyển sang dùng ma túy dạng đá thì bị rối loạn tâm thần còn nhanh hơn. Đặc biệt, người sử dụng ma túy dạng đá dễ bị kích động, dễ nổi giận, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi… khi sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gây ảo giác mạnh, làm cho người sử dụng sẵn sàng chém, giết, gây thương tích hàng loạt. Thực tế cũng đã chứng minh qua nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây ở các tỉnh khác do đối tượng gây án trong tình trạng "ngáo đá".
Việc áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với các đối tượng này cũng rất khó khăn. Bởi hiện tại vẫn chưa có phác đồ điều trị hiệu quả đối với dạng nghiện ma túy tổng hợp. Những người nghiện ma túy tổng hợp vẫn đang áp dụng quy trình cai nghiện giống những người nghiện heroin. Mặt khác, theo Khoản 3, Điều 5, Nghị định 221 quy định "Không áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện đang tham gia điều trị chất thuốc phiện" nên các đối tượng nghiện tìm mọi cách tham gia chương trình cai nghiện thay thế bằng các chất dạng thuốc phiện methadone vì trên thực tế họ vẫn cố tình sử dụng các chất ma túy dạng thuốc phiện để tránh bị lập hồ sơ đưa vào cai nghiện bắt buộc.
Xác định rõ những khó khăn, phức tạp và những nguy cơ tiềm ẩn, vấn đề đấu tranh ngăn chặn với tội phạm ma túy, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp được các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Công an tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể xã hội làm tốt công tác rà soát, nắm tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Chương trình hành động phòng, chống ma túy của Chính phủ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy, xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động liên quan đến ma túy.
Đối với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, trước thực trạng tệ nạn ma túy có xu hướng gia tăng, tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Chữa bệnh giáo dục-lao động xã hội triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện. Trong đó, đặc biệt chú trọng mở rộng hoạt động điều trị tại cộng đồng. Theo đó, mỗi địa phương mở lớp được thành lập một tổ cai nghiện, bao gồm những cán bộ y tế, cán bộ lao động xã hội và công an. Tổ cai nghiện sẽ được tập huấn tất cả các khâu từ tiếp nhận ban đầu đến tư vấn, điều trị cắt cơn theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, hỗ trợ điều trị sau cai. Sau khi được tập huấn kỹ, lớp cai nghiện sẽ chính thức đi vào hoạt động. Người nghiện khi đến với các cơ sở này không chỉ được tư vấn, hỗ trợ điều trị cắt cơn mà còn được trang bị những kỹ năng dự phòng tái nghiện thông qua việc tham gia sinh hoạt trong các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực. Việc nhân rộng các mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện. Người nghiện sẽ được tiếp cận các dịch vụ sau cai nghiện như học nghề, vay vốn và tiếp cận các doanh nghiệp nhằm có được việc làm ổn định và phòng, chống tái nghiện hiệu quả.
Thu Hằng