Kênh Gà là nơi cư trú, sinh sống của trên 600 hộ dân với gần 2.200 nhân khẩu. Do nằm cách biệt với đất liền, bốn bề là sông nước nên việc đi lại và sản xuất của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Vùng này, trung bình một năm phải gánh chịu 1-2 trận lũ lớn, còn nước to hay lũ vừa là chuyện thường xuyên xảy ra. Mặc dù vậy, nhờ tập quán sinh sống lâu đời nên bà con vùng này có được bản năng phòng vệ tự nhiên, họ rất có ý thức và chủ động trong việc phòng chống bão lũ.
Hầu hết các công trình, nhà cửa ở đây đều được nhân dân xây dựng kiên cố với thiết kế phù hợp để sống chung với lũ. Nhà nào cũng có gác xép để nếu lũ về đột ngột thì người dân có thể sơ tán những vật dụng, tài sản, nhu yếu phẩm thiết yếu lên trên đó.
Sinh sống chủ yếu bằng nghề sông nước nên thuyền là phương tiện không thể thiếu, hàng năm người dân đều bỏ một phần kinh phí để tu sửa, đóng mới thuyền. Đây vừa là phương tiện dùng trong sản xuất, đi lại, đồng thời cũng là phương tiện di chuyển linh hoạt và ứng cứu tốt nhất khi có mưa lũ xảy ra…
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở đây chia sẻ với chúng tôi: "Mặc dù đã có hệ thống cầu phao để đi qua sông nhưng khi có lũ lớn về thì phải cắt cầu, thuyền bè cũng không dám qua lại. Nước ngập, điện không có, nước sinh hoạt, lương thực, củi lửa đều rất thiếu thốn, người dân chúng tôi cực kỳ vất vả.
Đồng chí Nguyễn Hữu Vân, phó chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: Là địa phương hàng năm phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mưa bão vì vậy chúng tôi luôn chủ động, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu mạnh mẽ hiện nay, tần suất, thời gian của thảm họa thiên tai ngày càng bất thường nên không thể chủ quan.
Năm 2013, Được sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ tỉnh, Đội tình nguyện viên ứng phó với thảm họa thiên tai thôn Kênh Gà đã được thành lập.
Với nhiệm vụ chính là tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ, tự thích ứng với thiên tai cho nhân dân, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các phương án di dời khi xảy ra bão lũ, vận động nhân dân đưa tàu thuyền đến nơi neo đậu tập trung; đưa đón học sinh và giáo viên qua sông khi có lũ lớn; thực hiện cứu hộ, cứu nạn trong các trường hợp khẩn cấp ….
Qua hơn 3 năm hoạt động Đội tình nguyện đã thực sự phát huy được vai trò của mình và được người dân hết sức tin tưởng và yêu mến.
Không giấu nổi niềm tự hào, anh Trần Hoàng Cam, đội Trưởng Đội tình nguyện kể: 13 người trong Đội đều là những người có kinh nghiệm, có kỹ năng bơi, lặn tốt nên có thể vận dụng tốt, phản ứng nhanh, sẵn sàng cơ động ứng cứu, hỗ trợ nhân dân trong mọi tình huống.
Được trang bị 1 tầu máy trị giá 60 triệu đồng, hàng năm cứ mỗi khi lũ về, phải cắt cầu phao, chúng tôi lại thay nhau đưa đón hàng trăm giáo viên và các em học sinh qua sông để đi dạy, đi học tránh việc học tập của các cháu bị gián đoạn.
Cô giáo Hạnh, hiệu trưởng trường cấp I B Gia Thịnh cho biết: Có năm lũ lớn, nước ngập vào trường, thật may mắn cho cô trò chúng tôi là được các anh ở Đội tình nguyện viên ứng phó với thảm họa thiên tai thôn nhanh chóng giúp đỡ di chuyển toàn bộ trang thiết bị, máy tính của nhà trường lên trên cao mới tránh được hư hại. Đồng thời, sau khi nước rút Đội lại dành cả 2-3 ngày dọn dẹp phòng học, kê lại bàn ghế nên việc dạy và học của nhà trường ít bị ảnh hưởng".
Hiệu quả hoạt động của Đội tình nguyện thì đã rõ, sự nhiệt tình của các thành viên cũng không đo được. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Đội tình nguyện khiến chúng tôi phần nào băn khoăn, bởi thực tế ngoài việc được trang bị 1 tàu máy với một số phao cứu sinh, mũ áo … hạn chế thì Đội hoàn toàn không có một hỗ trợ nào về kinh phí để hoạt động, ngay cả dầu để chạy tàu, các thành viên cũng phải đi quyên góp từ người dân, thậm chí là bỏ tiền túi ra.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội tình nguyện rất cần sự tham gia của nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ kinh phí và trang bị thêm một số công cụ, thiết bị cho Đội hoạt động tốt hơn.
Hà Phương