Anh Bùi Hữu Tùng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp Chiachen (Khu Công nghiệp Khánh Phú) cho rằng: Việc doanh nghiệp chủ động đối thoại với người lao động là rất cần thiết vì khi doanh nghiệp hiểu được người lao động muốn gì và đáp ứng kịp thời, họ sẽ có được đội ngũ người lao động gắn bó, tâm huyết với công việc.
Ở chiều ngược lại, thông qua đối thoại, công nhân cũng có thêm thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, những chính sách mới hay thậm chí là những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để từ đó có sự chia sẻ, nỗ lực vì doanh nghiệp. Nhờ vậy, mối quan hệ lao động trong Công ty trở nên hài hòa, ổn định.
Anh Tùng cũng cho biết thêm: Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, việc đối thoại không được tổ chức thường xuyên như trước đây nhưng hàng ngày các tổ trưởng sẽ nắm bắt tư tưởng, kiến nghị của người lao động. Sau đó báo cáo tổng hợp với công đoàn. Với cách làm này, công đoàn nắm tình hình lao động trong ngày và khi có sự cố xảy ra, Công ty tổ chức đối thoại và giải quyết ngay.
Bởi vậy, trong thời điểm Công ty bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (thiếu đơn hàng, việc làm không thường xuyên) nhưng tình hình tư tưởng của công nhân vẫn ổn định, sẵn sàng làm việc luân phiên để chia sẻ khó khăn giữa các bộ phận. Ngược lại, thấu hiểu những lo toan của người lao động khi thu nhập bị cắt giảm, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định duy trì các chế độ phúc lợi thường xuyên giúp cuộc sống của họ không bị xáo trộn nhiều.
Anh Nguyễn Trung Quyền, Tổ trưởng Tổ kho, Công ty TNHH Công nghiệp Chiachen chia sẻ: Tôi đã gắn bó với Công ty được 8 năm. Ngoài các chế độ luôn được đảm bảo, Công ty cũng quan tâm lắng nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp với người lao động. Tại các buổi đối thoại, chúng tôi được nêu ý kiến, vướng mắc của mình. Do đó, khi được thấu hiểu, được chia sẻ nguyện vọng, tư tưởng công nhân thoải mái, yên tâm làm việc và hiệu quả công việc cũng tăng lên.
Ở Công ty TNHH Giầy Adora (Khu Công nghiệp Tam Điệp), những buổi đối thoại cũng đã thực sự giúp gắn kết doanh nghiệp với người lao động. Điều đáng ghi nhận là với số lượng công nhân lên tới hàng nghìn người, việc đối thoại được tổ chức rất linh hoạt và sáng tạo. CĐCS Công ty đã lập hòm thư góp ý đặt tại các chuyền sản xuất.
Hàng tuần, tổ trưởng công đoàn thu thập thông tin từ đó và làm "cầu nối" cho các buổi trao đổi trực tiếp giữa các bên để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, công đoàn còn tham khảo các chế độ, chính sách của các công ty khác để bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với nguyện vọng và quy định mới nhất của pháp luật. Trong đó phải kể đến việc tăng tiền cơm ca, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, tăng tiền trợ cấp thâm niên…
Được biết, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn chú trọng tham gia xây dựng và thực hiện quy chế đối thoại tại nơi làm việc. Theo đó, việc đối thoại tại nơi làm việc cơ bản sát với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
Trong quá trình đối thoại, ngoài các ý kiến tập hợp, doanh nghiệp để người lao động nói lên tiếng nói, mong muốn của mình, được thảo luận nhằm phát huy tính dân chủ và được doanh nghiệp giải đáp thỏa đáng. Kết thúc buổi đối thoại có kết luận từng nội dung cụ thể và thể hiện vào biên bản đối thoại, trong đó ghi rõ những nội dung đã thống nhất, thời gian, biện pháp thực hiện, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và thời điểm tiếp tục bàn bạc, giải quyết.
Sau đối thoại, công đoàn tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung đã cam kết nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Hoạt động đối thoại được tổ chức theo định kỳ hoặc đột xuất. Nội dung tập trung vào các vấn đề tiền lương, thưởng, chế độ phúc lợi, môi trường, điều kiện làm việc, phương pháp quản lý...
Từ đầu năm đến nay đã có 118/265 doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Nhờ đó, đa số những bức xúc, khiếu nại của người lao động đã được giải quyết. Đối với một số vụ việc mâu thuẫn đã xảy ra, các cấp Công đoàn kịp thời nắm tình hình, trao đổi, đối thoại với người sử dụng lao động tìm biện pháp giải quyết.
Đào Duy