Những tháng đầu năm, hoạt động của ngành Ngân hàng Ninh Bình đã bám sát và phục vụ đắc lực cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, đáp ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt và các nhu cầu thanh toán khác cho khách hàng.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/6/2016 đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; đáp ứng được trên 63% tổng dư nợ cho vay.
Tuy nhiên cũng mới chỉ đáp ứng được 60-65% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng; nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn.
Đối với lĩnh vực cho vay phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/6/2016 đạt trên 6.900 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã niêm yết công khai và từng bước đơn giản hóa thủ tục vay vốn, để nông dân dễ tiếp cận vốn vay nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc trong hoạt động tín dụng; từng bước mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là trên địa bàn nông thôn.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị, tạo môi trường lành mạnh trong hoạt động tín dụng.
Trong đó mong muốn các ngân hàng thực hiện công khai, minh bạch quy trình, các điều kiện cho vay, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mẫu hóa các đề án, phương án, dự án, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Các ngân hàng cũng cần mở rộng mạng lưới các phòng giao dịch, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, giúp người dân vùng nông thôn có thể tiếp cần nguồn vốn.
NHCSXH cần tăng cường nguồn vốn vay giải quyết việc làm, chương trình nước sạch.
Về phía ngân hàng cũng mong muốn các khách hàng, doanh nghiệp chia sẻ khó khăn trong việc mở rộng đầu tư tín dụng, cần phải tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững, hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh; một số khách hàng, nhất là doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xác định định hướng kinh doanh, năng lực quản trị điều hành còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính; đã có cơ chế, chính sách đối thoại trực tiếp liên quan hoạt động tín dụng.
Thủ tục cho vay vốn của các ngân hàng đã cởi mở, thuận lợi hơn; một số ngân hàng đã hình thành các tổ liên kết tại cơ sở, đã hỗ trợ tích cực giúp người nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn vay trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành cần phối hợp cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng.
Căn cứ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của tỉnh về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm, ngân hàng nhà nước chi nhánh Ninh Bình chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí cho vay; công khai hóa, mẫu hóa các chương trình, dự án với từng đối tượng vay.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng liêm chính, chống sách nhiễu, phiền hà; chủ động đối thoại với khách hàng để tháo gỡ các khó khăn.
Đồng chí cũng đề nghị các ngân hàng tăng thêm các điểm, các phòng giao dịch, nhất là vùng sâu, vùng xa; tạo nguồn vốn cho người dân, các doanh nghiệp phát triển, chú trọng nguồn vốn cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và các dự án trọng điểm.
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cần làm tốt chức năng nhiệm vụ, đảm bảo nguồn vốn tín dụng hiệu quả, an toàn, tránh thất thoát, không để tín dụng đen hoạt động trên địa bàn.
Sở NN&PTNT chủ trì đánh giá công nhận cho các trang trại đủ điều kiện, giúp các chủ trang trại dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
UBND tỉnh xem xét, rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp, theo đúng thẩm quyền, tạo điều kiện tăng cường hiệu quả công tác tín dụng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nguyễn Thơm