Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân trong xã đã đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Hàng nghìn người con của Quỳnh Lưu hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có gần 200 người đã anh dũng hy sinh, gần 100 thương binh đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường… Những đóng góp to lớn ấy của Quỳnh Lưu đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng những phần thưởng cao quý, điển hình như năm 1950, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi về thành tích xóa nạn mù chữ; năm 1998, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, có hàng trăm tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước tặng huân, huy chương và nhiều bằng khen, giấy khen cũng như những phần thưởng cao quý khác… Cũng là một người con quê hương Quỳnh Lưu nhưng đã xa quê sinh sống lập nghiệp tại Hà Nội, ông Trương Quốc Khánh, vui mừng trước những đổi thay của quê hương trong những năm qua. Ông Khánh cho biết: Từ Hà Nội về quê hương Quỳnh Lưu không phải quá xa, nhưng vì công việc, một hai năm tôi mới về một lần, mỗi lần về, tôi lại được chứng kiến sự thay đổi, phát triển đáng kể. Nếu so sánh xưa và nay thì đó là sự đổi thay một trời, một vực.
Đồng chí Phạm Ngọc Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu cho biết: Truyền thống cách mạng của quê hương chính là động lực, là hành trang để các thế hệ, các tầng lớp nhân dân trong xã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Nổi bật là 5 năm gần đây, Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó là gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ" để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM một cách hiệu quả. Theo đó, đã huy động các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân với tổng giá trị hơn 230 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 110 tỷ đồng; tiếp nhận gần 4 nghìn tấn xi măng, làm mới 123 tuyến đường thôn xóm với chiều dài trên 21km đường bê tông; nâng cấp, cứng hóa 36 tuyến đường với chiều dài gần 5km; hoàn thành và đưa vào sử dụng trường Mầm non xã trị giá 12 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa các nhà văn hóa thôn, xóm…
Điều đáng ghi nhận là, để hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng NTM, cùng với các nguồn vốn, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến 36 ha đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng để hoàn thành dồn điền, đổi thửa 721 ha đất nông nghiệp; hiến trên 800m2 đất, 585 m2 tường bao, trên 300 cây lưu niên làm đường giao thông. Cùng với góp công, góp sức xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhân dân trong xã cũng đã đầu tư gần 60 tỷ đồng xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, mua sắm máy móc, các phương tiện vật tư phục vụ sản xuất, đời sống. Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp, các mô hình trang trại, gia trại… được người dân đầu tư đã thay đổi cơ bản hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho gia đình và nhiều lao động địa phương. Thu nhập của người dân trong xã tăng từ 8 triệu đồng/người năm 2011 lên 29 triệu đồng/người năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% năm 2011 xuống còn 2,7% năm 2015.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác giáo dục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lưu tích cực chăm lo và coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Các trường học được xây dựng khang trang đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng dạy và học nhiều năm liền đứng tốp đầu của huyện Nho Quan. Công tác y tế, môi trường được quan tâm, xã đã tổ chức đội thu gom rác thải theo quy định, hơn 70% dân số có thẻ BHYT…
Đồng chí Phạm Ngọc Hoan cho biết thêm: Điều đáng ghi nhận ở Quỳnh Lưu là trong quá trình xin ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về chương trình xây dựng NTM, trong số 12 nội dung xin ý kiến có tới 90% trở lên các hộ dân cảm thấy hài lòng về kết quả xây dựng NTM, trong đó 100% số hộ được xin ý kiến hài lòng về việc sản xuất phát triển hơn, giáo dục được chăm lo tốt hơn, thực hiện quy chế dân chủ, an ninh trật tự nông thôn tốt hơn, dịch vụ công thuận lợi… Điều đó chứng tỏ rằng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, chính quyền cơ sở, cán bộ công chức đã thực sự gần dân; các chi bộ đảng, đoàn thể thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, đã và đang từng bước khắc phục hình thức tổ chức sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng CNH-HĐH.
Gần 20 năm liên tục Đảng bộ Quỳnh Lưu đạt TSVM, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quỳnh Lưu cũng là Đảng bộ đạt TSVM tiêu biểu 5 năm (2010-2014), được UBND tỉnh tặng Bằng khen đơn vị dẫn đầu khối xã và Bằng khen về công tác tôn giáo giai đoạn 2004-2014... Đặc biệt, năm 2014, Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Lưu phấn khởi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba giai đoạn 2009-2013. Và vừa qua, đúng ngày 11/8 - Kỷ niệm 70 năm ngày Quỳnh Lưu kháng Nhật, xã vui mừng đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM… Những phần thưởng đó là niềm vui, sự động viên giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lưu tiếp tục phát huy truyền thống của khu căn cứ cách mạng, chung sức, đồng lòng tiếp tục hoàn thiện đầy đủ và nâng cao hơn các tiêu chí NTM một cách bền vững.
Mỹ Hạnh