Gặp ông Trần Văn Phan, cán bộ Lão thành cách mạng tại căn nhà riêng nhỏ xinh ở phố Cát Mỹ, thị trấn Me, chúng tôi không khỏi vui mừng khi thấy ông mặc dù đã vào tuổi gần 90 nhưng còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Giấu đi những thương tật trong người vì nhiều năm bị địch bắt tra tấn đánh đập, đón chúng tôi ông luôn nở nụ cười như trong ngày chiến thắng. Người lính già bồi hồi cho biết: Cũng như hàng triệu người con Việt Nam sống dưới ách đô hộ phong kiến và sự đè nén của các thế lực thù địch, lòng yêu nước bao giờ cũng sục sôi, hào sảng.
Những ngày chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở thị trấn Me, những thanh niên trẻ tuổi như chúng tôi nhận thấy một khí thế hừng hực trong mọi tầng lớp nhân dân; nhà nhà, người người chuẩn bị cờ quạt, học hát học múa những bài ca cách mạng, tất cả sẵn sàng cho một ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân - ngày người dân thực sự được tự do, có quyền làm chủ cuộc sống của mình...
Ngày 19-8-1945 cấp trên chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Gia Viễn. Ngay đêm hôm đó, Tỉnh ủy cử cán bộ về các huyện truyền đạt nhanh tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh và Lệnh tổng khởi nghĩa. Tỉnh ủy cử cán bộ về huyện Gia Viễn cùng địa phương chuẩn bị khởi nghĩa trước. Trước khí thế cách mạng sôi sục, đêm 18-8, huyện trưởng Gia Viễn sợ hãi bỏ trốn. Ngay đêm hôm đó, thanh niên cứu quốc thôn Bích Sơn và phố Me vào thuyết phục binh lính lấy được một số súng đạn.
Sáng sớm ngày 19-8-1945 (đúng ngày có phiên chợ Me), lực lượng vũ trang tỉnh, huyện lợi dụng lúc nhân dân trong vùng đi chợ Me rất đông, phát loa kêu gọi nhân dân hưởng ứng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, triển khai lực lượng võ trang tiến vào chiếm huyện lỵ; binh lính đầu hàng, các công chức chính quyền tay sai xin nộp giấy tờ, sổ sách, con dấu và súng đạn. Ta nhanh chóng làm chủ huyện lỵ. Quần chúng xung quanh huyện lỵ và nhân dân đi chợ Me đến dự mít tinh rất đông. Trước đông đảo quần chúng, đại diện Việt Minh huyện Gia Viễn tuyên bố chính quyền tay sai phản động đã bị đập tan, chính quyền cách mạng được thành lập...
Lão thành cách mạng Trần Văn Phan cho biết thêm: Trải qua gần hết cuộc đời, chứng kiến những thăng trầm lịch sử của đất nước, của huyện Gia Viễn, ông nhận thấy, trước đây, so với các huyện, thị khác trong tỉnh, đời sống của nhân dân huyện Gia Viễn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn". Nhưng ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn đã tập trung làm đường giao thông, đắp đê, xây dựng kênh mương, nhà ở, trường học, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, quy hoạch vùng sản xuất… Cuộc sống người dân thị trấn Me và 20 xã trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có sự đổi thay "một trời, một vực", ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Lê Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, kế thừa những thành tựu cha ông để lại, các thế hệ cán bộ huyện Gia Viễn hôm nay tiếp tục đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Trong đó thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế; tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương.
Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất trong sự đổi mới ở huyện Gia Viễn là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên thôn không ngừng được xây dựng kiên cố, kiện toàn. Đường từ Gia Vân, Gia Hòa đến thị trấn Me; đường đi Gia Lạc, Gia Thịnh, Gia Sinh… hầu hết đều được bê tông hóa, rải nhựa, đạt trên 90% tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. Năm 2013, tổng kinh phí đầu tư trong chương trình xây dựng NTM đạt trên 485 tỷ đồng, hoàn thành gần 50km đường giao thông nông thôn.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Gia Viễn phát triển tương đối toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích đất trồng lúa giảm dần theo các năm, chuyển sang các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Sản xuất vụ đông ngày càng đi vào chất lượng với phương châm sản xuất theo hướng lựa chọn những cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Những năm qua, huyện đã chuyển đổi hơn 2 nghìn ha đất trồng cây có giá trị kinh tế thấp sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Năm 2013, bình quân giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 85 triệu đồng/năm. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm qua các năm nhưng do tăng diện tích lúa cao sản, lúa tái sinh, mở rộng trồng cây vụ đông… và do trình độ thâm canh của người dân không ngừng được nâng cao nên tổng sản lượng lương thực có hạt vẫn không ngừng tăng. Sản lượng lương thực có hạt năm 2013 đạt gần 67 nghìn tấn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2013 còn 5,6% (theo tiêu chí mới).
Đặc biệt, là huyện có diện tích mặt nước nhiều, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, việc quy hoạch vùng nuôi thả, tôn tạo bờ vùng được quan tâm, đầu tư, diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định, năng suất và sản lượng không ngừng tăng. Toàn huyện hiện có trên 1,1 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt gần 2,5 nghìn tấn/năm…
Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển TTCN và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Các cấp, các ngành đã quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tại KCN Gián Khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả, như: Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy ô tô Thành Công, Công ty may Đài Loan, Công ty gỗ Tài Anh… Tổng doanh thu năm 2013 tại KCN Gián Khẩu đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, nhất là các xã thuộc diện thu hồi đất như Gia Trấn, Gia Thanh, Gia Vân…
Gia Viễn là địa phương có nhiều khu du lịch nổi tiếng, như Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Suối nước khoáng Kênh Gà, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… đã và đang được đầu tư phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện làm dịch vụ và kinh doanh du lịch, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng lên, được nhiều du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tạo thêm điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển dịch vụ du lịch. Năm 2013, có gần 2 triệu lượt du khách đến tham quan tại các điểm du lịch, lễ hội, doanh thu du lịch ước đạt 50,5 tỷ đồng. Tương lai gần, từ phát triển du lịch, Gia Viễn sẽ tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Mỹ Hạnh