Cụ thể, tại điều 9, khoản 3, mục k của Nghị định này quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng với hành vi "chở người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật". Thế nhưng qua 3 năm Nghị định có hiệu lực thi hành, tình trạng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông bằng xe máy ở tỉnh ta vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2012, 100% trường học đã quán triệt, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tự giác thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Cuộc vận động đã có sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đối với gia đình có con, em trong độ tuổi đến trường thực hiện đúng, nghiêm chỉnh luật giao thông khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại các trường THCS, Tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình, trước giờ học và sau khi tan trường tình trạng phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi tham gia giao thông còn diễn ra khá phổ biến. Điều này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm nên thực hiện chưa nghiêm túc. Việc đội mũ bảo hiểm cho con khi chở con bằng phương tiện xe máy chưa trở thành thói quen của nhiều người.
Đáng cảnh báo hơn, một số phụ huynh còn cho con trẻ đứng hẳn lên yên xe đầu thì chỉ cần đội cái mũ vải và được người ngồi phía sau ôm rồi cứ như thế lao vun vút ngoài đường. Bên cạnh đó, nhiều học sinh có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai. Nhiều phụ huynh cũng không muốn đội mũ bảo hiểm cho con mình vì sợ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng đến đốt sống cổ và đầu. Anh Lê Văn Minh, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Con tôi chỉ mới 6 tuổi, tôi thấy cháu còn quá nhỏ, nên gia đình không cho cháu đội mũ bảo hiểm sợ cháu bị ảnh hưởng đến đốt sống cổ. Các cháu còn nhỏ, đội mũ bảo hiểm thường làm chúng nặng đầu nên sẽ cảm thấy không thoải mái".
Thực tế cho thấy, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách là biện pháp hữu hiệu để phòng chấn thương sọ não và tử vong khi tai nạn giao thông không may xảy ra. Các chuyên gia y tế cũng đã khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng và chỉ số kỹ thuật có thể gây ảnh hưởng tới đốt sống cổ trẻ em. Kết quả thống kê, nghiên cứu của các chuyên gia y tế đã khẳng định: nguy cơ chấn thương vùng đầu giảm 69%, nguy cơ tử vong giảm 42% nhờ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tìm hiểu việc đội mũ bảo hiểm của học sinh khi tham gia giao thông ở Trường Tiểu học Đông Thành (thành phố Ninh Bình), chúng tôi được thầy giáo Phạm Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Ban giám hiệu Nhà trường và các giáo viên đứng lớp đều đưa ra quan điểm: Trách nhiệm của nhà trường là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng phụ huynh và học sinh việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tại các buổi chào cờ, họp phụ huynh, nhà trường đều tuyên truyền, nhắc nhở, vận động phụ huynh đội mũ bảo hiểm khi trở con bằng xe máy. Tuy nhiên, vấn đề then chốt vẫn là trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong trong việc giáo dục con em mình đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy để trở thành thói quen cho trẻ.
Thực hiện Tháng ATGT năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức ATGT ngay từ đầu năm học mới cho học sinh các cấp. Tổ chức ký cam kết với gia đình và học sinh không vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trong cả năm học. Thường xuyên nhắc nhở, đưa các thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu giờ hàng ngày, đầu tuần và trong các buổi sinh hoạt lớp, Đoàn, Đội.
Phối kết hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như Công an, Giao thông vận tải để quản lý học sinh, sinh viên, học viên về chấp hành pháp luật an toàn giao thông. Yêu cầu gia đình, phụ huynh học sinh cam kết thực hiện không cho con đi xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc đủ tuổi nhưng không có giấy phép lái xe mô tô, gắn máy và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy khi tham gia giao thông, đồng thời kiên quyết xử lý những học sinh, sinh viên vi phạm cam kết này.
Thiết nghĩ, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, không chỉ đảm bảo an toàn cho trẻ mà còn tạo nền nếp, ý thức chấp hành Luật Giao thông nói riêng, chấp hành pháp luật nói chung ở các em. Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề quan trọng là các bậc phụ huynh phải luôn làm gương cho trẻ trong việc tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông.
Bài, ảnh: Bảo Yến