Cụ Đặng Thị Vũ, một lão thành cách mạng ở thôn Vân Thị nhớ lại: Trước Tháng 8/1945, mặc dù có nhiều thuận lợi về địa lý, giao thông, buôn bán nhưng đời sống nhân dân Gia Tân vô cùng khổ cực do nhà nước phong kiến không quan tâm đến nông nghiệp, không chăm lo đắp đê, làm thủy lợi. Các địa chủ cấu kết với quan lại phong kiến, thực dân tìm mọi cách chiếm đoạt ruộng đất công và ruộng tư của những người nghèo, sở hữu hàng trăm mẫu ruộng, trong khi đó nhiều hộ dân không có một tấc đất. Ngoài các thứ thuế của nhà nước thực dân, phong kiến, nhân dân còn phải chịu nhiều khoản phụ thu, lao dịch. Tôi còn nhớ như in nỗi sợ hãi vào các kỳ thu sưu, thuế, bà con nháo nhác trốn chạy trước sự truy bắt của bọn đốc sưu, đốc thuế. Đặc biệt tôi vẫn còn ám ảnh về nạn đói cuối năm 1944, đầu năm 1945, cả xã có tới 700 người chết đói, nhiều hộ không còn người nào.
Ký ức của vị lão thành cách mạng làm cho những người trẻ như chúng tôi hiểu rằng để có được sự "thay da đổi thịt" như ngày hôm nay, mảnh đất, con người Gia Tân đã phải trải qua không ít thăng trầm. Được biết, Gia Tân vốn là xã thuần nông, trong năm chỉ cấy 2 vụ lúa. Từ năm 2014, xã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, nhờ thế đã xuất hiện những cánh đồng có diện tích lớn. Đây là cơ hội để bà con chuyển đổi diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Chính quyền xã đã quy hoạch các vùng sản xuất, ưu tiên chuyển đổi các vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Ước tính nuôi thủy sản cho lợi nhuận gấp từ 2-3 lần trồng lúa.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay nuôi trồng thủy sản của xã tiếp tục phát huy được hiệu quả với tổng diện tích hơn 40 ha, sản lượng ước đạt 160 tấn (tăng 77% so với cùng kỳ năm 2017). Mũi nhọn kinh tế từ nuôi trồng thủy sản đã làm cho đời sống của bà con địa phương được cải thiện đáng kể. Hướng đi đúng đắn này cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế ở địa phương. Hiện nay Đảng ủy, UBND xã đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, chú trọng phát triển kinh tế toàn diện, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được quan tâm. Gia Tân đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dịch vụ ngành nghề trên địa bàn xã phát triển, tạo việc làm cho lao động. Nhờ đó, các ngành nghề được duy trì và phát triển tốt.
Đặc biệt, Gia Tân đã sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, 100% đường trục xã, thôn, xóm, nội đồng đã được bê tông hóa, cứng hóa. Cả 3 trường học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đều đạt chuẩn Quốc gia. Trạm y tế xã được xây dựng với nhiều phòng chức năng. Nhà văn hóa xã có quy mô hàng trăm chỗ ngồi, 100% nhà văn hóa thôn, xóm đạt chuẩn, đầy đủ trang thiết bị. Khu trung tâm thể thao được xây dựng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao của cộng đồng. Toàn bộ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh,… Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức chính trị xã hội luôn vững mạnh, anh ninh trật tự được giữ vững.
Cùng với việc tin tưởng vào đường lối của Đảng, quyết tâm thay đổi cuộc sống đã khiến những người dân chân chất nơi đây năng động tìm hướng đi phù hợp, mạnh dạn tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp… từ đó tạo nên diện mạo mới cho vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Đào Duy