P.V: Theo đồng chí việc dạy và học lý luận chính trị hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
Thạc sỹ Hà Thu Nga: LLCT có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thế giới quan khoa học của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, việc giảng dạy lý luận chính trị là nhiệm vụ cơ bản trong công tác đào tạo cán bộ của Trường Chính trị tỉnh hiện nay.
Thông qua việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị, cán bộ đảng viên được trang bị tri thức lý luận, giúp cho họ có nhận thức đúng đắn về chế độ chính trị, xã hội, về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế ở nước ta. Đó là kim chỉ nam, đóng vai trò định hướng cho hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Qua những bài giảng lý luận chính trị, người giảng viên đã củng cố cho học viên niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường cách mạng mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Hiện nay, kẻ thù sử dụng nhiều chiêu thức "diễn biến hòa bình" trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Những tri thức lý luận giúp cán bộ, học viên có được sự kiên định trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, cơ hội, phản động, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; giữ vững và tăng cường trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm thất bại âm mưu Diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của kẻ thù.
Chính trong quá trình học tập lý luận chính trị ở trường, người cán bộ, học viên hình thành khả năng tư duy biện chứng và vận dụng vào hoạt động thực tiễn. Việc nắm bắt sâu sắc tri thức lý luận cho phép họ phát huy được năng lực tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, chủ động trong việc nắm bắt và đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương mình, gắn lý luận với thực tiễn.
P.V: Thời gian qua, Nhà trường cũng như cá nhân đồng chí đã có phương pháp, cách làm như thế nào để việc dạy và học môn lý luận chính trị đạt hiệu quả?
Thạc sỹ Hà Thu Nga: Những năm qua, trường Chính trị tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tập lý luận chính trị: Nhà trường không ngừng đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp, khuyến khích giảng viên áp dụng phương pháp tích cực vào bài giảng; tạo điều kiện, động viên giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như học cao học, nghiên cứu sinh, tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh và các cơ sở đào tạo khác; đặc biệt, năm 2014, Ban Giám hiệu Trường đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy ban hành Đề án "Đưa giảng viên Trường chính trị tỉnh Ninh Bình đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020". Thực hiện đề án, đến nay đã có 24 giảng viên về thực tế ở các xã trên địa bàn tỉnh thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Việc đi thực tế ở cơ sở đã tạo điều kiện để các cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của trường có cơ hội thâm nhập thực tế, cọ xát với công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức thực tiễn, làm cho nội dung bài giảng sinh động hơn, có những phương pháp giảng dạy phù hợp hơn với từng đối tượng, từng địa phương.
Bản thân tôi là giảng viên của Khoa Lý luận cơ sở, đảm nhiệm giảng dạy phần học mang tính trừu tượng, khô khan, tôi luôn ý thức tự giác nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, thay đổi phương pháp giảng dạy để có thể truyền đạt đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp thu các nội dung, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến người học. Thường xuyên có ý thức lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để học viên kịp thời cập nhật, nắm bắt và vận dụng vào thực tiễn. Để bài giảng có tính thực tiễn cao, tôi thường xuyên đi nghiên cứu thực tế, theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông để thu thập tư liệu phục vụ cho bài giảng.
P.V: Thực tế hiện nay có rất nhiều kênh thông tin, có nhiều lĩnh vực hấp dẫn đối với học viên. Điều đó đem đến những thuận lợi, thách thức như thế nào cho việc giảng dạy lý luận chính trị, thưa đồng chí?
Thạc sỹ Hà Thu Nga: Việc phát triển của hệ thống thông tin truyền thông và mạng xã hội hiện nay tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các vấn đề thực tiễn sống động về kinh tế, văn hóa, xã hội đối với giảng viên và học viên dễ dàng hơn. Qua đó, không chỉ cung cấp thực tiễn cho giảng viên mà còn là điều kiện nâng cao nhận thức cho học viên. Tuy nhiên, mặt trái là trên các kênh thông tin có nhiều nguồn thông tin mang tính tiêu cực, nếu học viên không biết chọn lọc sẽ có thể làm ảnh hưởng đến lập trường tư tưởng, và nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa có thể xảy ra. Hơn nữa, khi mà thông tin được truyền tải bằng nhiều hình thức hấp dẫn, trong khi các môn học lý luận đặc thù vốn khô khan, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng học viên có thể ngại học lý luận, lười học lý luận, học cho qua, học đối phó. Đây là một thử thách lớn đối với công tác giảng dạy và học tập lý luận hiện nay.
P.V: Để vượt qua những thử thách đó, theo đồng chí đâu là giải pháp trọng tâm?
Thạc sỹ Hà Thu Nga: Theo tôi giải pháp trọng tâm để khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị đó là đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp. Về nội dung, yêu cầu đặt ra là giảng viên phải tăng cường kiến thức thực tiễn, dùng thực tiễn minh họa cho lý luận, làm cho các nội dung lý luận thêm sức hấp dẫn. Về đổi mới phương pháp, áp dụng các phương pháp tích cực, lấy người học làm trung tâm, lôi cuốn người học để học viên tham gia vào bài giảng một cách chủ động tích cực. Thực hiện tốt giải pháp này có thể thực hiện được mục tiêu mà giáo dục lý luận chính trị đặt ra.
Đào Du