Sau khi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) được ban hành và Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực, Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành chương trình hành động, các văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh để đưa khoa học và công nghệ phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đó, đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang tính bền vững.
Mặc dù ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp nhưng tỷ lệ chi ngân sách của tỉnh cho khoa học và công nghệ mỗi năm một tăng. Các huyện, thành phố cũng bắt đầu có những đầu tư từ ngân sách địa phương để tổ chức ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ cơ bản hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
Công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ đi vào nề nếp, công khai, minh bạch và hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ được quan tâm, chú trọng phát triển. Các tổ chức khoa học và công nghệ ngày càng tăng, hiện nay ngoài 2 tổ chức công lập là Trường Đại học Hoa Lư và Trung tâm ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), còn có 4 doanh nghiệp khoa học công nghệ là Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, Công ty Cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình và Công ty TNHH Hạ Long CFG.
Trong giai đoạn 2014-2019, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh đã tập trung chú trọng vào lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; công nghệ cơ khí sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất các mặt hàng có thế mạnh của địa phương; xây dựng thương hiệu; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất...
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã triển khai 40 đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp. Các nhiệm vụ này đã tạo ra được nhiều nhân tố mới tích cực, tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân và thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Trong lĩnh vực công nghiệp, đã có 10 đề tài, dự án phục vụ cho công tác chọn lựa công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là công nghệ cơ khí, công nghệ khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, điều tra tình hình công nghệ của địa phương, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Qua đó đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, cụ thể trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã nghiên cứu, thiết kế, đa dạng hóa các sản phẩm mới thay thế cho hàng ngoại nhập. Nâng cao kiến thức hội nhập thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề có hàng hóa truyền thống xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều nghiên cứu về giáo dục và đào tạo đã giúp đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao hoạt động quản lý giáo dục và đào tạo về phổ cập, về biên soạn tài liệu... khắc phục tình trạng thiếu tài liệu giảng dạy nội dung giáo dục địa phương trong các môn học. Trong y tế, các phương pháp điều trị mới được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, các đề tài, dự án về phát triển công nghệ thông tin, điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cũng được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả rõ rệt. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và quản lý sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Giai đoạn 2014 -2019 các sở, ngành, huyện, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh đã xét và công nhận hơn 16 nghìn sáng kiến cấp cơ sở và trên cơ sở đó 268 sáng kiến cấp tỉnh được công nhận.
Bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số hạn chế đó là số lượng các đề tài, dự án những năm trước còn nhiều, kinh phí, quy mô nghiên cứu còn hạn chế, một số đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu tính nhân rộng chưa cao. Thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển, chưa tạo được động lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ phát triển.
Lực lượng chuyên gia trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất mỏng. Nguyên nhân là do hạ tầng khoa học và công nghệ, mà đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học công nghệ tại các địa phương trong tỉnh còn hạn chế, do đó việc triển khai ứng dụng và nhân rộng các kết quả nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn. Chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh của các doanh nghiệp trong việc phát huy vai trò của khoa học và công nghệ.
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất với công nghệ có trình độ thấp, doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, thiếu thông tin về công nghệ và thị trường. Công tác đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có chuyển biến tốt, nhưng việc quảng bá, phát triển thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan chủ trì, sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tập trung đổi mới cơ chế quản lý, tiềm lực khoa học và công nghệ, xây dựng định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; thay đổi cơ cấu đầu tư và đẩy mạnh công tác phổ biến, chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế.
Thực hiện tốt việc xác định, quản lý, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo hướng giảm bớt số lượng, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, nghiên cứu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị...
Làm tốt công tác định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tăng cường đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện tốt các đề tài độc lập, các dự án cấp Bộ, cấp nhà nước, các dự án nông thôn miền núi, các dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình quỹ gen.. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ.
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ kể trên đòi hỏi sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, của các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tỉnh.
Nguyễn Toàn Thắng(TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)