Hôm về dự đám cưới cô em họ. Từ đầu ngõ đã nghe người làng đồn "đám cưới sang thật, lấy chồng thành phố có khác". Cái "sang" mà người dân quê tôi tấm tắc khen ở đây chính là sự cầu kỳ của gia đình trong việc trang trí phông rạp. Thay vì cổng chào "lễ vu quy", được kết bằng lá dừa như các đôi khác thường làm, thì cô em tôi thuê kết bằng hoa tươi, với những chùm bóng bay trái tim màu hồng. Bên trong là một đôn hoa 3 tầng, nhạc sống rộn rã… Thấy tôi có vẻ "bàng hoàng", cô em tôi giải thích "tiền hoa cổng mất 1 triệu, đôn hoa 4 trăm, hoa cưới 7 trăm, xe hoa 7 trăm, tổng cộng bọn em mất gần 3 triệu. Mình ở quê, đời người chỉ cưới có một lần, phải làm cho đoàng hoàng không có người ta cười cho". Quan niệm ấy không chỉ của em tôi mà có trong suy nghĩ của hầu hết các đôi trai gái khi đến tuổi xây dựng gia đình. Ai cũng muốn ngày cưới của mình thật ấn tượng "không thua chị kém em".
Về thành phố trong vai một người đi đặt hoa cưới, tôi được 1 nhân viên của cửa hàng hoa Sơn Trang, một trong những cửa hàng hoa lớn nhất của Ninh Bình tiếp thị cho đủ loại hoa cưới, trang trí cổng chào, xe hoa… đến mức chóng mặt, với đủ các loại giá cả. Xe cưới và hoa cưới được tính giá cả ngang nhau. Sang trọng thì dùng hoa Ly, Lan, Rum…; "bình dân" thì dùng hoa hồng với giá trung bình từ 300- 800 nghìn đồng, đi kèm với đó là dịch vụ thuê xe. Tùy từng loại xe mà có giá cả dịch vụ khác nhau, đi trong nội tỉnh đắt nhất khoảng 1 triệu đồng.
Năm nay các đôi uyên ương còn "đua nhau" kết hoa ở cổng chào, dùng đôn hoa nhiều tầng. Đã có gia đình ở thành phố Ninh Bình kết cổng hoa, xe hoa, hoa cưới… hết hơn 10 triệu đồng. Người bán hàng kết luận: "Chỉ nhìn vào việc hoa tươi được sử dụng như thế nào trong ngày cưới thì người ta có thể biết kinh tế gia đình đó thuộc loại nào".
Cứ qua một năm, các cửa hàng cho thuê váy cưới lại "thay váy mới" để cạnh tranh với nhau và xuất hiện ngày càng nhiều những cửa hàng mới, chứng tỏ dịch vụ này đang "lên ngôi" và "kiếm ăn được". Mốt váy cưới năm nay trên thị trường vẫn là những váy vai trần, có đính những hạt đá, giá cả cũng tùy vào váy nội hay hàng ngoại nhập, trung bình khoảng từ 700 nghìn đến 1,5 triệu đồng/chiếc/lượt thuê. Cửa hàng T. H trên đường Trần Hưng Đạo, năm nay đầu tư mặt tiền lộng lẫy hơn, nhìn kỹ ai cũng có thể phát hiện ra những chiếc váy cưới chỉ được tân trang lại, nhưng chủ cửa hàng thì một mực tiếp thị: "Hàng chị mới nhập từ nước ngoài, em mặc lần đầu tiên thì phải đắt hơn một chút, đấy em xem vẫn còn nguyên mác". Duy chỉ có cửa hàng Ly Khánh, một cửa hàng đã có thương hiệu, thì năm nay "chơi trội" hơn cả với những mẫu váy lạ mắt giống với những trang phục truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc. Chị Khánh, chủ cửa hàng cho biết, chị đã nhập những mẫu váy cưới độc đáo của Hàn Quốc, Hồng Kông… không chỉ để cạnh tranh với các cửa hàng mới mở trong thành phố mà còn để khẳng định thương hiệu của mình.
Đi kèm với dịch vụ cho thuê váy cưới đó là dịch vụ chụp ảnh cưới. Phong trào chụp ảnh nghệ thuật trước khi cưới đã xuất hiện nhiều năm gần đây nhưng đến nay, việc chụp ảnh trong phòng đã trở nên "lỗi mốt", hầu hết các cô dâu, chú rể đều muốn chụp ảnh ngoại cảnh. Nắm bắt được tâm lý khách hàng, hàng loạt chương trình khuyến mại được đưa ra trong mùa cưới khi khách hàng có nhu cầu chụp ảnh như: miễn phí khi đi chụp ảnh ngoại cảnh trong thành phố, tặng một ảnh to, thay váy thoải mái theo ý thích.
Và cũng có nhiều cách tính giá để đáp ứng được yêu cầu của tất cả các "thượng đế". Một An- bum ảnh cưới thấp nhất cũng phải 2 triệu, còn chơi sang thì giá cả vô cùng, tùy thuộc vào "hầu bao" của khách hàng. Có những cửa hàng tính trọn gói cả dịch vụ từ thuê tráp quả, áo dài ăn hỏi, chụp ảnh, váy cưới, trang điểm… để khuyến mại cho khách hàng được nhiều hơn. Nhưng những cửa hàng mới mở thì tính riêng từng dịch vụ để khách hàng có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình. Hiện nay, việc tìm được đám cưới mà cô dâu mặc trang phục truyền thống (áo dài, khăn sếp), không chụp ảnh nghệ thuật, không xe hoa lộng lẫy quả là "hiếm có, khó tìm". Khi sử dụng các dịch vụ nêu trên, ai cũng biết đó là những thứ tốn kém, nhưng không ai muốn mình chỉ vì tiếc tiền mà thua kém bạn bè trong ngày trọng đại của đời người. Kết thúc bài viết này, xin dẫn lời tâm sự của một cô gái mới cưới cách đây chưa đầy nửa tháng: "Khi đi đặt hoa, chụp ảnh… do không tính toán trước, cứ bị hoa mắt vì lời chào mời của chủ hàng, cộng thêm một chút "sĩ diện" nên cưới xong, cộng lại mất hơn chục triệu tiền hoa, thuê xe, chụp ảnh, váy cưới... Bây giờ tiền mừng chỉ đủ trả nợ thấy thật tiếc. Nếu biết trước để tiết kiệm, thì với số tiền ấy, đôi vợ chồng trẻ có thể làm được nhiều việc".
Linh Nhi