Trân trọng hơn khi tôi biết đây là tác phẩm đầu tay của một tác giả đang bước vào tuổi tám mươi. Cả một đời người trải qua bao thăng trầm, dành dụm, chắt lọc để rồi mãi đến khi "Nhẹ gót chiều đi…" mới dâng được cho đời 78 bài thơ như 78 ngọn lửa được thắp lên từ "Trái tim hồng đượm…".
Đặng Ái Thi đã từng là kỹ sư cầu đường, hầu như cả cuộc đời và sự nghiệp ông gắn bó với ngành Giao thông vận tải (GTVT). Trong thơ ông đã dành nhiều tình cảm, nỗi niềm cho đồng đội, đồng nghiệp, những người đã cùng ông "vào sinh ra tử", "chia xẻ ngọt bùi" trên mặt trận GTVT trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đó là những câu thơ, bài thơ được viết ra từ "gan ruột" mình. "… Em đi khuyết nửa vầng trăng/ Lược vương hương tóc khăn hằn nét môi…" (Khoảng vắng). Trong bài thơ Gửi em có những câu: "Gửi em làn nước sen trong/ Thơm bàn tay nhỏ dưới đường lòng xuân/ Gửi em hạt sỏi tím ngần/ Lấp êm khoảng lạnh đêm xuân canh trường…".
Trong thời kỳ gian khổ này, những con đường của đất nước luôn bị bom đạn cày xới, băm vằm. Những cô gái trong ngành GTVT lúc nào cũng sẵn sàng để san lấp hố bom, hàn gắn những vết thương trên mặt đường, để đảm bảo giao thông thông suốt, để cho những đoàn xe, đoàn quân rầm rập ra tiền tuyến. Trong khói lửa ác liệt mà Đặng Ái Thi vẫn có những câu thơ lãng mạn và dịu dàng như thế, thì chứng tỏ ông là người rất yêu thơ, yêu người.
Đặng Ái Thi sinh ra ở miền quê "Đầy nắng gió trĩu nặng ân tình giữa Đòn gánh Việt" (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Nhưng đã gần 60 năm qua ông gắn bó với Ninh Bình, quê hương thứ hai của ông. Trong tập thơ Hương Chiều có khá nhiều bài Đặng Ái Thi viết về mảnh đất "Non nước hữu tình" này. Ẩn chứa trong những ngôn từ tả cảnh đẹp là gửi gắm những rung động, những bâng khuâng, những nỗi niềm của một người chịu ơn mảnh đất đã cưu mang, đùm bọc mình. "Tiêng chim dìu dặt kinh ngân/ Bắc lên phím nguyệt trong ngần lối mây/ Đường về tay ủ men tay/ Ngã ba bịn rịn sông đầy bóng non…" (Nước non tình).
Lên đỉnh núi Kỳ Lân để phóng tầm mắt thu gọn cả đất trời, Đặng Ái Thi như người bị "bùa mê", ông ngất ngây: "Hanh hao sương khói tỏ mờ/ Lầu thơ quyến gió giao hòa địa phân/ Hương thiền nghi ngút am vân/ Đâu đây khoan nhặt trong ngần tiếng kinh.../ Nắng lên trên ngọn Kỳ Lân/ Mơ nhìn thành phố thanh tân dậy thì..." (Thưởng ngoạn Thanh Tân).
Trong tập thơ "Hương chiều" có một số bài tác giả đã có những tư duy, nghĩ suy, trăn trở về cuộc đời, về đối nhân xử thế, về tình quê hương, về lẽ sống, về bạn bè tri âm tri kỷ. Dù đó chỉ là những lời nhắn nhủ khuyên răn cháu con đừng quên cội nguồn, đừng quên công ơn của Đảng, của Bác Hồ. Dù đó chỉ là những lời tâm sự chân thật, giản dị với bạn đời, bạn thơ, bạn đồng nghiệp, bạn vui tuổi già hoặc đó chính là lời tâm tình của tác giả với năm tháng của cuộc đời đã đi qua… Những bài thơ rất thật, rất gần gũi đã để lại trong bạn đọc những cảm tình khó phai. Những bài thơ giản dị, những câu thơ mộc mạc nhưng ẩn chứa trong từng câu chữ là tấm lòng nhân hậu mến thương cuộc đời của tác giả.
Đặng Ái Thi đã rưng rưng lòng khi đứng trước một anh thương binh: "Gẫy mười một giẻ sườn ngực trái/ Phải đeo trái tim sang ngực phải…". Ông khâm phục lòng quả cảm và sức sống mãnh liệt của người thương binh phải đeo trái tim sang bên phải. Nhưng cao hơn cả là ông nhận ra rằng dù trái tim có ở bên nào đi chăng nữa thì nó vẫn rung lên những nhịp đập của tình yêu. Câu thơ cuối bài thơ này của ông mang tính triết lý: "Tận cùng chân lý - Tình yêu" (Trái tim bên phải).
Mỗi khi xuân về, Tết đến, vào đêm giao thừa, tác giả lại hòa mình vào dòng người đón đợi pháo hoa mừng Đảng, mừng Xuân. Một đêm giao thừa tác giả gặp một người vợ liệt sỹ: "Trước mắt tôi một suối tóc đen buông/ Và ánh mắt nói điều gì rầu rĩ/ Tôi chợt nhận ra người vợ liệt sỹ… Chị ngước lên trời đêm đầy hoa…/ Tâm tưởng ngược tháng năm/ Trôi về miền đất lửa/ Bập bềnh lóe tắt xa xa…" (Chị ấy). Viết về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình, Đặng Ái Thi có những bài thơ đọc rồi cứ da diết mãi. Ấy là khi ông viết về quê ông xa xưa những tháng ngày bị lụt lội: "Cành lắt tay lá tướp gốc long/Già trẻ Hương Khê bím vào nóc mái/ Trắng tay trắng bữa trắng đồng…" (Cảm nạn thương xưa).
Đặng Ái Thi còn có những bài thơ tình yêu tạo nên sự bất ngờ thú vị cho người đọc. Bởi có thể bạn đọc cho là tác giả của những câu thơ ấy phải còn rất trẻ, thật trẻ và đang độ nồng nàn rực lửa tình yêu thì mới lung linh, mới lãng mạn như vậy: "Lữ khách kêu em nàng xấu hổ/Chưa lời trao đã vội buông rèm/ Chữ trinh em khép chờ anh đó/Nắng tắt chiều buông sao cháy đêm…" (Lời cây Trinh Nữ).
Đặng Ái Thi sử dụng nhiều thể loại thơ như thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú, thơ Đường luật, thơ tự do…, nhưng có lẽ ông làm thơ Đường nhiều, tuy vậy trong tập thơ "Hương chiều", số lượng thơ Đường lại khá khiêm tốn, bù lại bài nào cũng làm cho người đọc (nhất là người đọc cao tuổi) hài lòng về vấn đề tư tưởng, niêm luật, câu chữ…
Tuy nhiên, trong tập thơ vẫn có bài còn đơn giản, sơ sài, ý chưa hay, chưa có tứ. Có bài chưa chắt lọc câu chữ thành thử ra chữ thì nhiều mà vẫn không tải nổi vấn đề muốn nói. Có bài chỉ thiên về tả cảnh, tức là thơ làm theo cách nhìn thấy chứ chưa phải là cảm thấy… Bạn đọc mong rằng những tập thơ tiếp theo tác giả chắt lọc hơn, cho gần hơn với câu tục ngữ "Gừng càng già, càng cay".
Để kết lại bài viết này, tôi xin trích một đoạn trong lời tự bạch của tác giả: "… Và khi trời đã ngả chiều, được hưởng cái bình yên đáng quý của cuộc sống đời thường, có dịp được giãi bày nhiều hơn những gì sâu kín của lòng mình về một đời, một thời đã qua với người thân, anh em, bạn bè tri kỷ. Để nghiệm ra một điều: Nỗi đau trong cuộc đời nhiều khi là cội nguồn cảm xúc mà may thay nhờ có "ái" với thi ca mà thành niềm vui sống…".
Ninh Đức Hậu