Tập thơ "Mùa hoa cúc quỳ" là tập thơ đầu tay của ông, ra đời vào năm 2006. Từ đó đến nay đã 5 năm, khoảng thời gian tuy chưa dài nhưng cũng là "khoảng lùi" cần thiết để chứng nghiệm giá trị của tập thơ.
Tôi đã đọc tập thơ "Mùa hoa cúc quỳ" của Vũ Đức Thanh nhiều lần, lần nào cũng giữ nguyên một cảm giác thích thú. Ông viết ít, thơ thường kiệm lời nhưng tỏ rõ sự tinh tế trong cách thể hiện cảm xúc, cách gieo vần, dùng chữ cũng tỏ ra rất khéo léo. Về đề tài, thơ Vũ Đức Thanh không mới, tuy nhiên cách tiếp cận hiện thực khá đa dạng. Thi sỹ thường chọn những chủ đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày: người mẹ, người chị, em trai, người vợ, người yêu cũ, người thầy giáo… Cũng đôi khi nhà thơ hướng sự quan tâm đến những chủ đề lớn: quê hương, thiên nhiên, các nhân vật và địa danh lịch sử…, song thực chất đây không là thế mạnh của thơ ông. Cảm xúc chủ đạo trong "Mùa hoa cúc quỳ" vẫn là những vấn đề thuộc về đời tư, về các nhân tác giả. Thơ Vũ Đức Thanh có nhiều bài viết về hình ảnh người mẹ đầy chân thành và xúc động. Đấy là hình ảnh người mẹ vất vả, lầm lụi đi về trong bóng chiều: Bóng chiều nhuộm tím chân mây/Nẻo xưa dáng mẹ gánh đầy hoàng hôn (Xa quê). Chủ đề về người mẹ tuy không mới những qua cách khắc họa của Vũ Đức Thanh vẫn có sức lay động, ám gợi. Đôi câu thơ của Vũ Đức Thanh ngoài việc tả thực còn mở ra khả năng liên tưởng rất đa chiều. Màu hoàng hôn không biết là chỉ dấu của thời gian hay màu hoàng hôn dằng dặc của thân phận? Còn đây nữa là hình ảnh người mẹ có con ra trận: Lặn vào từng giọt mắt rơi/Một trời thương nhớ gửi nơi mắt rừng (Mẹ). Người mẹ ở đây trong góc nhìn của Vũ Đức Thanh chính là biểu tượng của sự nhẫn nại chờ đợi, hy sinh, là chứng nhân và cội nguồn sức mạnh của cả một dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Bên cạnh hình ảnh một người mẹ là ký ức về người chị: Ngày xanh rụng trắng lòng tay/Chị ngồi đếm tuổi xếp đầy hoàng hôn (Hoàng hôn tuổi chị). Hình ảnh người chị lặng lẽ đếm thời gian, đếm tuổi trời qua màu tóc bạc vừa gợi sự đau buồn vừa ám ảnh, day dứt. Người chị trong thơ thi sỹ họ Vũ dường như là một "ánh hồi quang về người mẹ" với tất cả nỗi buồn cố hữu, sự cô đơn, chông chênh của một kiếp phận hẩm hiu: Chị vịn vào tiếng gà gọi sáng/Vịn vào mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm (Chị tôi).
Bên cạnh những bài thơ về người thân, một phần thi phẩm của Vũ Đức Thanh viết về chủ đề tình yêu. Thơ tình Vũ Đức Thanh có nỗi nhớ: người về để nhớ cho tôi/vầng trăng ngơ ngác bên trời heo may; có nỗi tương tư: Ngẩn ngơ hết đứng lại ngồi/Tương tư đổ xuống một trời bóng ai (Tương tư); có nỗi cô đơn, sự chờ đợi: Cô đơn đổ một đêm đầy/Tôi chờ em phía bên này vầng trăng (Lỡ làng); có cả những cay đắng, nghẹn uất: Rót thôi ly đắng một mình/Ngả nghiêng say cạn cuộc tình sang tôi/Thôi đừng mưa nữa lòng ơi/Đêm vừa chết dại một trời không em (Đêm mồ côi) và có cả một tình yêu ngọt ngào, hạnh phúc: Trăng tròn vành vạnh trong đêm/Nụ hôn vừa cạn say mềm bờ môi (Mùa hoa cúc quỳ)… Có thể nói thơ tình yêu của Vũ Đức Thanh là một tiếng nói đa thanh và sâu sắc…
Đọc "Mùa hoa cúc quỳ" khi gấp trang sách mỏng lại rồi vẫn có gì đó vương vấn. Có những câu lục bát mềm mại và đẹp một cách lạ lùng: Tôi về lặng bến sông mưa/Thương câu lục bát giữa mùa gió lay (Ngày không em); Gối lên một mảnh trăng tà/Nghe đêm mộng mị đất xa trời gần (Vô đề)…
Mỗi thi phẩm tuy ngắn nhưng đều có sức ám gợi. Dẫu Vũ Đức Thanh khiêm tốn rằng: "Đến với thơ chỉ như một cuộc chơi" thì tôi nghĩ rằng trong cuộc chơi chữ nghĩa đó Vũ thi sỹ vẫn là người sành chơi và gặp nhiều may mắn.
Mai Phương