"Mùa gió chướng" là kết tinh của một chặng hành trình với nhiều ấp ủ, buồn vui, trăn trở để rồi những cảm xúc thêm thăng hoa, những ngôn từ đọng lại như những giọt sương giúp những trang viết của anh thêm ý nhị, tinh tế. Như môt người lữ hành mê mải, Hải Âu đã dẫn chúng ta đến với nhiều vùng miền, cảnh quan, đền đài, thắng tích từ một "Cà Mau anh hùng" nơi cuối trời Tổ quốc đến "Trên điểm cao Lũng Cú" (Hà Giang). Trong một chuyến đi sáng tác ở phía Nam, dù tuổi đã cao anh vẫn tìm ra với Côn Đảo, nơi hai vạn chiến sĩ yêu nước đã hi sinh bởi gông xiềng đế quốc để làm nên hoa độc lập, quả tự do, để hôm nay giữa biển trời Tổ quốc tác giả như reo lên "Bình minh Côn Đảo vui thay". Thấm nỗi đau bởi bao xương máu đã đổ nhưng những cái chết bất tử đó mãi đem đến cho hôm nay cuộc sống vĩnh hằng "Địa ngục trần gian đỏ/ Linh thiêng!/ Hóa thiên đường".
Thật xúc động khi anh bằng cảm xúc và cả sự rung động từ chính trái tim mình để viết về đồng chí Tạ Uyên, nguyên Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lý tưởng cách mạng của Đảng.
Chuyến vượt ngục lịch sử của những người cộng sản từ "Côn Đảo địa ngục trần gian" mà Tạ Uyên là "người thuyền trưởng vững vàng" (Mùa gió chướng) được khắc họa thật bi tráng nhưng cũng thật hào hùng. Những câu thơ của anh như bay lên khi đất mẹ "đón những người con vượt ngục trở về"
"Về quê Mẹ bồi hồi thương đất Mẹ
Rười rượi Hàng Dương dào dạt trăng xanh"
(Mùa gió chướng)
Mảng đề tài trong thơ Hải Âu khá rộng, anh đề cập đến nhiều góc cạnh của cuộc sống, trong cảnh có tình, trong tình có cảnh, tức cảnh sinh tình, anh như một kẻ lữ hành mê mải dẫn dắt đọc giả đến với thiên nhiên kỳ thú, non nước bồng lai, với những danh thắng, đền đài, di tích không chỉ trên giải đất Ninh Bình mà cả nhiều vùng miền của Tổ quốc thân yêu với những ngôn từ, hình ảnh được chọn lọc, được khắc họa một cách tinh tế, tạo nên những dấu ấn hết sức đặc trưng.
Theo bước chân tác giả, ta lại có dịp đến với một "Cúc Phương xanh" huyền thoại, "Về Tràng An" với một vùng hang động kỳ thú đang "hướng đến tầm di sản" với những giá trị đích thực được các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước thừa nhận, đánh giá cao. Đến với Bái Đính, vùng đất Phật, cái cảm nhận của anh ở cõi linh thiêng này tuy dung dị nhưng cũng thật xao lòng
"Gió
Bái Đính
Thoảng hương trầm
Man mác"
(Gió Bái Đính)
Với mảng đề tài này, Hải Âu còn đưa đọc giả đến với nhiều cảnh quan, địa danh nổi tiếng của đất nước, đó là "đêm Bản Lác", "viết ở Kai Kinh", "chiều thu Đại Lải", "lên Tam Đảo", "hồ Gươm xanh", "về Chi Lăng", "viết ở Sông Đà", "ăn tết cổng trời"… Đến đâu anh cũng như hóa thân vào cảnh vật, con người mà vui buồn, thăng hoa cùng sông, núi, biển, trời.
"Xanh ngời mắt lá rưng rưng
Trút đêm Đà Lạt nắng bừng sắc hoa"
(Cao nguyên vời vợi kiêu sa)
Những câu thơ như vậy đã xuất hiện nhiều hơn trong thơ Hải Âu, khẳng định bước bứt phá mới của anh trong sử dụng ngôn từ, hình ảnh, giúp cho bài thơ có hồn hơn, giàu sức lan tỏa hơn.
Thơ Hải Âu đằm hơn khi viết về tình yêu và cuộc sống, đó là "cha và con" tiếp bước chân nhau cùng cầm súng lên đường giết giặc "Giọt máu hồng chia đôi/ Chảy trong hai người lính". Đó là một hình tượng đẹp, nối vào bản trường ca về đề tài chiến tranh mà các thế hệ cầm bút đã dày công khắc họa để lưu mãi đến mai sau.
Hải Âu luôn biết trân trọng, đề cao những giá trị mà hạnh phúc, tình yêu đem đến cho ta những phút giây ngọt ngào, lắng lại như giọt mật, tan chảy trong tim "EM tắt đèn/ Nụ hôn em/ chia một nửa phần con/ nửa dành cho anh/ Đêm lạnh/ Hóa ấm nồng/ Hạnh phúc" (Thiên chức mẹ).
Anh trân trọng bạn đời, người vợ hiền thục, đảm đang đã song hành cùng nhau trong suốt chặng hành trình để xây nên lâu đài hạnh phúc, anh đã có bài thơ tặng vợ nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới, thật nồng hậu mà cũng thật tươi mới
"Cưới vàng lòng những bồi hồi
Đong đầy ánh mắt nhịp đôi tim hồng"
(Cưới vàng)
Ở vào thời điểm đó, họ đều đã đi qua cái tuổi "thất thập" ấy thế mà tình yêu của họ vẫn không có tuổi, chỉ có những con tim nhân hậu, tràn ngập yêu thương mới "đong đầy ánh mắt" ở cái tuổi "cổ lai hi".
Trong tập thơ "Mùa gió chướng", Hải Âu đã có bước tiến khá tích cực, không còn nặng về mô tả mà ngôn từ, hình ảnh đã được chọn lọc, giàu tính hướng nội hơn, đã không còn lối viết sáo mòn, nhàn nhạt, thiếu sức thuyết phục. Anh đã khá tinh tế trong sử dụng ngôn từ, cú pháp, chuyển tải được nhiều ý tưởng, giai điệu tiết tấu hơn "Tất cả những chiều/ Ta đi bên nhau/ Nắng nơi anh/ Gió nơi em/ Lênh loang/ Trong chiều tím/ Xốn xang!" (có một chiều).
Hạnh phúc, tình yêu luôn là đề tài muôn thuở của thi ca, nhạc họa. Hải Âu có cách nhìn rất riêng khi viết về tình yêu của người nữ thanh niên xung phong Trường Sơn
"Bụi cao nguyên đỏ
Chan da mặt
Gom vào ba lô
Trao người yêu"
(Hạnh phúc)
Nếu không có sự hóa thân, sự trân trọng giá trị của những người đã dấn thân vào cuộc kháng chiến sinh tử với kẻ thù xâm lược, bảo vệ đến cùng đất nước thân yêu mới viết được những câu thơ như vậy. Hải Âu đã có những phát hiện khá tinh tế, để có hạt cốm thơm, người nông dân đã phải trải "một nắng hai sương" để làm nên hạt thóc
"Chắt tự ánh trăng, hạt nắng
Hạt vàng mùa cốm thêm say"
(Mùa cốm)
Trong "Mùa gió chướng", Hải Âu đã có 5 bài thơ phổ nhạc. Có được những thành công được ghi nhận ấy, bởi anh đã có những đổi mới trong bút pháp, sử dụng ngôn từ, hình ảnh, tạo nên ở bài thơ những giai điệu tiết tấu có gam màu gần với âm nhạc hơn, mà như nhiều nhà phê bình văn nghệ thường nhận xét "là trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ" mà không phải thi phẩm nào cũng đạt được.
Lê Liêu