Không phải là lần đầu đặt chân tới Cúc Phương nhưng đây lại là lần đầu tiên bạn trẻ Đinh Thị Quỳnh được trải nghiệm, khám phá khi vườn Quốc gia Cúc Phương bước vào thời khắc rực rỡ nhất trong năm. Hơn 9 giờ sáng, Quỳnh và nhóm bạn đã có mặt ở cổng rừng. Bỏ lại cái nắng gay gắt đầu tiên của những ngày chớm hạ ngoài bìa rừng, nhóm bạn trẻ thảnh thơi tận hưởng cảm giác thư thái, trong lành của khu rừng già. Chậm chậm chạy xe đi xuyên cánh rừng trên con đường mòn quanh co, từng đàn bướm trắng bay vờn trong nắng sớm.
Càng vào sâu, số lượng bướm càng nhiều. Không chỉ có nhóm của Quỳnh mà còn nhiều nhóm bạn trẻ khác dừng xe bên một điểm nơi có hàng ngàn con bướm đang chập chờn bay lượn. Những đôi cánh mỏng tang, bé xíu chao liệng không mệt mỏi, lâu lâu lại rủ nhau đậu xuống dệt thành một tấm thảm đầy sắc màu đẹp đến say mê. Như sợ đàn bướm mong manh ấy vì e sợ mà bay đi mất, nhóm bạn trẻ rón rén đến thật gần, nhẹ nhàng tạo dáng, lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ bên đàn bướm trắng. Quỳnh chia sẻ: Thật là bất ngờ khi ngay tại quê hương mình cũng có một cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nhường ấy. Cảnh sắc hiện ra trước mắt mà em vẫn cứ ngỡ mình lạc bước vào một chốn thần tiên, cổ tích trong giấc mơ tuyệt đẹp.
Trời càng về trưa, lượng khách đến với Cúc Phương càng thêm nhiều. Bởi vậy mà nhóm hướng dẫn viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương do anh Trần Văn Bảy làm đội trưởng cũng có một ngày làm việc vất vả. Đưa một đoàn khách đến từ thủ đô Hà Nội xa xôi đi thăm quan ở rừng, anh Bảy say sưa kể về "gia sản" của khu rừng già này. Đó là trên 2000 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có những cây đại thụ như Chò xanh, Sấu hay những dây leo thân gỗ vừa to vừa dài, uốn lượn giữa các tầng rừng. Hệ động vật với gần 700 loài động vật có xương sống gồm trên 300 loài chim, hơn 100 loài thú, trên 100 loài bò sát và lưỡng cư, cá… trong đó có loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của rừng Quốc gia Cúc Phương. Thế giới côn trùng lại càng phong phú đã ghi nhận gần 2 nghìn loài. Trong đó có loài Bọ que ngụy trang như cành cây, chỉ có thể nhận ra khi chúng cử động. Đặc biệt nhất, đó là vào đầu mùa hạ, rừng già xuất hiện rất nhiều loài bướm sặc sỡ sắc màu, tạo nên một cảnh tượng đẹp đến liêu trai.
Rợp trời bướm trắng dọc 2 bên đường vào Cúc Phương. Ảnh: CTV
Quá trưa, đoàn khách dừng chân nghỉ ngơi ở giữa khu rừng. Tận hưởng không khí bình yên, trong lành, dịu nhẹ, những vị khách quên hết mệt mỏi của cuộc hành trình dài. Vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Anh Quân, trưởng nhóm chia sẻ: Tôi công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có lần đi công tác tại tỉnh Ninh Bình, được các anh, chị đồng nghiệp giới thiệu về Vườn Quốc gia Cúc Phương, kể về đàn bướm khổng lồ… tôi rất thích thú và quyết định đưa cả gia đình về thăm quan trong dịp nghỉ lễ này. Chúng tôi nhờ cả một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đi cùng để giúp chúng tôi lưu giữ khoảnh khắc đẹp đẽ này. Trước khi thực hiện bộ ảnh tuyệt đẹp, nhóm anh Quân đã được hướng dẫn viên Trần Văn Bảy giới thiệu những điều kỳ thú về đàn bướm.
Bướm ở Cúc Phương thì có từ lâu lắm rồi và thực sự thu hút khách tới thăm quan vào những năm gần đây. Vì bướm ở Cúc Phương chỉ xuất hiện từ tháng Tư đến tháng Sáu, trong đó nhiều nhất là thời điểm cuối tháng Tư đến cuối tháng Năm nên càng tạo nên nét độc đáo "mùa vụ" cho rừng già. Trùng với dịp nghỉ lễ, nên đây là thời điểm mà Vườn Quốc gia Cúc Phương đón nhiều lượt khách nhất. Bướm ở rừng Cúc Phương có rất nhiều loài, nhiều nhất là loài bướm trắng hay còn gọi là bướm cải. Nhưng được mệnh danh là "nữ hoàng" của các loài bướm thì phải kể đến loài bướm phượng. Bướm phượng sở hữu đôi cánh to, có đuôi, trên người có nhiều màu sắc sỡ như đen, trắng, đỏ… tạo nên vẻ đẹp riêng biệt. Từ khi là trứng, sâu non, nhộng rồi hóa thành những con bướm xinh... quá trình ấy chỉ diễn ra trong khoảng 25 ngày.
Mặc dù vậy, bướm sinh trưởng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Lạnh quá, nắng nóng quá hoặc ẩm ướt quá thì số lượng bướm cũng ít. Khi những cơn mưa xuân ẩm ướt đi qua, mùa hè mới ghé đâu đó. Nắng không quá gắt, chỉ nhẹ nhàng sưởi ấm cả khu rừng bằng thứ ánh sáng đầy tươi trẻ. Hàng ngàn con bướm xuất hiện, sặc sỡ đủ sắc màu, bay lượn trong bạt ngàn cây xanh, cả khả khu rừng rộng lớn, tư lự bỗng khoác lên mình vẻ mộng mơ, huyền ảo, khiến khách đường xa ngỡ đâu lạc vào miền tiên cảnh. "Bướm bay rợp khắp rừng, song để thu hút bướm tập trung vào những điểm nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách thăm quan chiêm ngưỡng và chụp hình, chúng tôi tạo một số bãi đậu có khoáng chất như nước, muối, giáp sát… để thu hút bướm. Một nét đáng yêu của bướm rừng Cúc Phương đó là sự dạn dĩ trước khách du lịch, những cánh bướm đậu lên vành mũ, thậm chí vào tay du khách, tạo nên sự thân thiện, gần gũi"- anh Bảy bật mí.
Đào Hằng