Cụ Nguyễn Ngọc Bích, quê ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn năm nay 82 tuổi cho biết, thực ra cụ không phải là người dân chính gốc ở Kim Sơn. Năm 1954, cụ theo gia đình từ huyện Yên Mô về thị trấn Phát Diệm sinh sống và gắn bó với mảnh đất mới cho đến tận bây giờ. ở Kim Sơn có nhiều hình ảnh đã trở thành biểu tượng của địa phương, trong đó có cây cầu ngói với tuổi đời hàng trăm năm. Thời trẻ, hàng ngày cụ đi học qua cây cầu này. Lớn lên, khi tạm chia tay người yêu để vào chiến trường, cũng chọn cây cầu làm nơi thề hẹn. Đến ngày đất nước độc lập, giữ lời thề hẹn năm xưa tôi trở về và nên duyên với người con gái sắt son, chung thủy. Trong lễ vu quy, cụ đã đi rước dâu trên cây ngói này…". Bởi vậy, mà dù con cái trưởng thành ở trên thành phố, bao lần mời ông bà lên sinh sống cho tiện việc phụng dưỡng, báo hiếu nhưng cụ Bích nhất định không đi.
Cụ Bích dẫn chúng tôi đi thăm quan cây cầu ngói vào một buổi sáng tháng sáu nắng vàng rực rỡ. Từ xa, cây cầu nhìn cong cong như một chiếc cầu vòng, uốn mình qua dòng sông Ân nối nhịp cho đôi bờ thêm gần nhau hơn. Dưới cầu, sóng nước lấp lánh, những hàng phượng vĩ ven sông trổ hoa đỏ rực, dọc hai bên bờ, vài người buông cần câu cá, thư thái đợi chờ và ngắm nhìn thị trấn nhộn nhịp người qua lại… khung cảnh đẹp tựa bức tranh ấy thân thương, gần gũi và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân Kim Sơn. Cùng đi với chúng tôi trên cây cầu thế kỷ còn có những người bạn từ thời thơ ấu của cụ Bích, đó là cụ Lê Công ích và cụ Phạm Đình Mẫn. Chạm tay vào những nét trạm trổ tinh xảo của cây cầu, cụ Lê Công ích cho biết, sở dĩ cây cầu có tên là cầu ngói đơn giản bởi đó là một cây cầu được lợp bằng ngói. Kèo, cột của cây cầu làm hoàn toàn bằng gỗ lim với lối kiến trúc cổ kính, độc đáo không nơi nào có được.
Theo các cụ cao niên trong thị trấn kể lại, thì cây cầu ngói ra đời sau khi xây dựng Nhà thờ đá Phát Diệm chừng vài năm với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giáo dân đi lễ và phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân sống ở hai bên bờ dòng sông Ân. "Thời của chúng tôi, phương tiện đi lại chủ yếu là… đi bộ, nhà ai khá giả lắm thì mới có chiếc xe đạp. Trong khi đó, ở Kim Sơn ngày đó chưa có nhiều cây cầu như bây giờ, bởi vậy mà cây cầu ngói này gần như là con đường độc đạo giúp người dân hai bên bờ đi qua lại. Chính vì vậy, mà mọi sinh hoạt của người dân đều phải gắn với cây cầu, người nông dân gánh lúa, gánh cói hay dắt trâu đi làm cũng qua cây cầu ấy. Lũ trẻ đi học mỗi ngày cũng "hành quân" trên cây cầu này với tất cả sự hồn nhiên, tinh nghịch tuổi học trò. Cây cầu cũng là điểm hẹn, là nơi nghỉ mát cho bà con trong mỗi buổi trưa hè. Những câu chuyện buồn, vui về cuộc sống nơi thôn quê được người dân chia sẻ với nhau cũng trong khoảnh khắc nghỉ ngơi ít ỏi đó. Bởi vậy, mà tình cảm xóm làng thêm bền chặt, đoàn kết. "Nét độc đáo ở dòng sông Ân nơi có cây cầu ngói bắc qua này còn ở chỗ, xưa kia có nhiều hộ dân sống bằng nghề sông nước neo thuyền làm nhà ở ngay dưới chân cầu. Khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn thắp sáng đẹp tựa như những vì sao lung linh, tạo nên vẻ đẹp mê hoặc cho chốn này"- cụ ích chia sẻ.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian, cây cầu ngói cũng bị xuống cấp bởi mối, mọt. Bà con trong thị trấn ai cũng xót xa và đồng lòng cùng chính quyền trùng tu, nâng cấp. Những trụ cầu được làm bằng gỗ nay đã được thay bằng bê tông. Riêng mái che, những cột, kèo thì vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ kính dù đã được thay thế bằng loại gỗ lim mới. Cây cầu ngói vẫn đầy mê hoặc, thu hút mọi ánh nhìn của du khách thập phương khi có dịp ghé thăm Phát Diệm.
Bài, ảnh: Đào Hằng