Lịch sử Hành Cung Vũ Lâm và dấu ấn thời Trần; Những di tích và danh thắng quan trọng liên quan đến Hành Cung Vũ Lâm; Và Phụ lục.
Hành Cung Vũ Lâm hình thành ban đầu làm nơi tu hành đạo Phật của Trần Thái Tông; đồng thời, trước ý đồ xâm chiếm bằng được Đại Việt, nó đã trở thành căn cứ địa 2 lần đánh tan quân Nguyên - Mông đã để lại rất nhiều ẩn mật về một tài năng, nhân cách cao vợi của một vị vua mở đầu, kiến tạo và định hướng cho toàn bộ sự nghiệp giữ nước và dựng nước của triều đại nhà Trần (1224 -1400).
Linh địa Hành Cung Vũ Lâm:
Vùng Vũ Lâm xưa được gọi là động Vũ Lâm ("Động" không có nghĩa là hang động, mà là một vùng rừng núi cao bao bọc những gò đất nổi xen lẫn đầm lầy); nằm trong quần thể miền rừng núi Hoa Lư. Nơi đây, từ năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh đã lập kinh đô; 290 năm sau (1258) Trần Thái Tông chọn động Vũ Lâm không chỉ phù hợp với việc tu trì Phật đạo, mà còn là nơi đắc dụng cho một đại bản doanh, sẵn sàng cho một cuộc đối đầu không cân sức, khó tránh khỏi với quân Nguyên - Mông.
"Hành Cung Vũ Lâm xưa rộng 4.866,14ha. Thời Trần chưa có địa giới các xã như hiện nay, chỉ là một vũng rừng núi, ngày nay gồm các xã: xã Ninh Thắng có diện tích 409,74ha, xã Ninh Hải có diện tích 2.190,96ha, xã Ninh Xuân có diện tích 965,44ha và xã Ninh Vân có diện tích 1.300,00ha". (Sđd. Trang 28, Phần I. Lịch sử Hành Cung Vũ Lâm...). Nơi đây, cả ba mặt Tây, Nam, Bắc đều có núi lập nên thành lũy, phía Đông gồm nhiều sông ngòi hướng ra biển, hoàn toàn thuận lợi cho việc rút quân chiến lược từ Thăng Long về "Tổng hành dinh" chỉ huy kháng chiến và sẵn sàng chế ngự các cánh quân của giặc từ phía Nam đánh ra bằng đường bộ hoặc tiến công từ biển vào theo đường sông.
Năm 1258, Thái thượng hoàng Trần Thái Tông về ở đó. Sự ra đời địa danh mang tên gọi Hành Cung Vũ Lâm định hình từ đấy.
Hành Cung Vũ Lâm của khí phách Đông A ba lần đại phá quân Nguyên - Mông:
Tác giả Lã Đăng Bật viết: Nước Đại Việt ở thế kỷ XIII, nhà Trần đã tạo dựng thành một quốc gia Văn hiến và cường thịnh, chăm lo đời sống người dân, khuyến khích họ khai hoang làm cho nền kinh tế phát triển. Nhà Trần coi trọng thi cử nên việc học phát triển, đội ngũ trí thức Nho sĩ ngày càng đông…" (Sđd. II. Vài nét về xã hội thịnh Trần. Trang 20). Nhưng chói lọi nhất là từ năm 1257 đến năm 1288, non một phần ba thế kỷ XIII, cả ba thế hệ vua tôi nhà Trần (Vua ông Trần Thái Tông, vua con Trần Thánh Tông và vua cháu Trần Nhân Tông) đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông. Trong đó, cuộc đương đầu với giặc Nguyên - Mông lần thứ II và thứ III, "Hành Cung Vũ Lâm đã trở thành Tổng Hành dinh chỉ huy kháng chiến" (Sđd. Lời nói đầu. Trang 9).
Đại thắng quân Nguyên - Mông lần thứ I:
Ngày 12 tháng 12 năm 1257, quân Nguyên - Mông mở đầu "tiến quân vào Đông Bộ Đầu" đánh chiếm nước ta. Ngay lập tức nhà Trần chủ động chặn đánh. Chúng phải hoảng loạn tháo lui… Đây là chiến công đầu tiên thuộc về vua Trần Thái Tông, người sáng lập triều Trần đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy đập tan mộng bành trướng của đế quốc Nguyên - Mông với Đại Việt.
Đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ II:
25 năm sau, quân Nguyên - Mông vẫn một dã tâm xâm lược nước ta.
Mùa thu tháng 8 năm 1282, được mật tin tướng Thoát Hoan và Lý Hải Nha nhà Nguyên - Mông sắp đem 50 vạn quân, nói là mượn đường đi đánh nước Chiêm Thành, nhưng thực chất là để rửa nhục và xâm chiếm Đại Việt. Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng vua Trần Nhân Tông chỉ huy gấp rút tổ chức phòng thủ, quy tụ nhân tài, chủ động chặn giặc. Với tinh thần ấy, cuối năm 1285, quân dân Đại Việt khải hoàn đại thắng quân Nguyên - Mông lần thứ II.
Đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ III:
Chưa đầy 3 năm sau thất bại lần thứ 2, mồng 8 tháng 3 năm 1258, quân Nguyên - Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy, tiến sang nước ta bằng đường thủy…Bãi cọc Bạch Đằng đã để lại muôn đời bài học thảm hại cho kẻ thù phương Bắc.
Hành Cung Vũ lâm đã giữ vai trò của một "an toàn khu" cho vua tôi nhà Trần làm nên chiến công đánh bại đế quốc Nguyên - Mông lần thứ II và lần thứ III vào năm 1285 và 1288.
Hành Cung Vũ Lâm và những di tích, danh thắng thời Trần:
760 năm qua, danh sử Hành Cung Vũ Lâm gắn liền với các đền - chùa, đình - nhà thờ, núi non - hang động, cổ vật… được xây dựng, khám phá và tỏa sáng từ Trần triều càng thêm ý nghĩa với sự trường tồn của non sông Việt Nam.
Đền Thái Vi: Sau khi vua Trần Thái Tông mất năm 1277, để tưởng nhớ đã lập Hành Cung Vũ Lâm, người dân nơi đây đã xây dựng đền thờ ngài vào năm 1280. Sau 738 năm (1280 - 2018) xây dựng, đền đã được trùng tu nâng cấp nhiều lần vào các thời Lê, Nguyễn và thời gian gần đây. Giờ đây, đền Thái Vi giữ vị trí tâm điểm đối với các cuộc hành hương tìm về Hành Cung Vũ Lâm trong quần thể du lịch Tam Cốc - Bích động.
Tác giả Lã Đăng Bật còn cho biết khá tường tận về vị trí, vai trò ý nghĩa của các di tích và danh thắng nằm trong và ngoài Hành Cung Vũ Lâm như: "Chùa Sở do vua Trần Thái Tông cho xây dựng từ năm 1258 để tu hành."; chùa Hành Cung; chùa Đông Trang (khai Phúc tự); Chùa Dầu (hiệu là Linh Nha tự). Đồng thời, Đình Tuân Cáo và đình Sen, còn gọi là đình Hành Cung. Một di tích khác là nhà thờ Tiến sĩ Đào Dương Bật, người có công bảo vệ Hành Cung Vũ Lâm và là thiền sư tại ngôi chùa do chính ông khởi dựng (1283).
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động: Là nơi Trần Thái Tông về đây dựng am tu Phật sau khi truyền ngôi cho con (1258)! Đời sau, Trần Nhân Tông cũng tìm đến Tam Cốc du ngoạn.
Núi Thiên Dưỡng (ngày nay gọi là Thiện Dưỡng) một "an toàn khu" của nhà Trần suốt 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ II và lần thứ III. Sách còn nói đến Cổ vật thời Trần liên quan đến Hành Cung Vũ Lâm. Tại chùa Khai Phúc, đã phát hiện được chân móng dài 5m rộng 0,5m xây bằng đá cuội. Tại Thung Lấm (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) tìm thấy trên 5.525 mảnh vỡ nằm trên bề mặt và 940 mảnh cổ vật các loại xuất hiện trong các hố đào… có đặc điểm thời Trần.
Với những căn cứ tin cậy được tác giả Lã Đăng Bật làm tư liệu viết nên cuốn "Hành Cung Vũ Lâm và di tích - danh thắng", có thể nói đúng như Lời giới thiệu của Lưỡng quốc Tiến Sĩ Đỗ Văn Khang: "Đây là công trình nghiên cứu công phu, lần đầu tiên được công bố tương đối đầy đủ về Hành Cung Vũ Lâm rất có giá trị về lịch sử, văn hóa".
Mạc Khải Tuân