Những ngày giáp Tết, mưa xuân giăng giăng kín cả một vùng đồi núi Nho Quan. Người đồng nghiệp đi cùng xe nói với tôi: Không gian này như ngày Tết. Đang miên man nghĩ, xe của chúng tôi đã đỗ lại trước nhà doanh nhân Bùi Xuân Trường, thôn Xuân Long, Gia Sơn, Nho Quan. ấn tượng đầu tiên của tôi về anh đó là một người đàn ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 45, cặp kính trắng và nụ cười hiền lành khiến người ta dễ liên tưởng đến một thầy giáo hơn là một doanh nhân.
Nhấm nháp ly trà nóng, sau vài câu chuyện về cuộc sống chúng tôi đồng cảm với nhau hơn. Thấy tôi hứng thú anh tặng tôi cuốn truyện do chính anh viết về mình "Có một cuộc đời". Anh nói: "Đó là những câu chuyện chân thực nhất tôi viết về cuộc đời mình". Trước khi viết về anh tôi đã dành 2 ngày để đọc và ngẫm về những điều anh kể.
Tuy truyện không mang nhiều yếu tố văn học nhưng lại là sự từng trải, chiêm nghiệm của một con người gắn liền với dòng chảy của cuộc sống trong giai đoạn đất nước chuyển mình. Đọc "Có một cuộc đời" của doanh nhân Bùi Xuân Trường dễ cho người ta hình dung ra sự gai góc của cuộc sống hồi cuối những năm chín mươi thế kỷ trước và nhất là một thế hệ thanh niên nông thôn với những khát khao thay đổi vận mệnh cuộc đời.
Sinh ra ở một miền quê mà người ta thường gọi "Chó ăn đá, gà ăn sỏi" nên con người doanh nhân Xuân Trường cũng gai góc và mạnh mẽ. 16 tuổi dời quê ra đi với lời hứa "không thành công, không quay về" anh đã trải qua tất cả công việc lao động vất vả như phụ hồ, bốc vác, thợ xây... Anh nói "lúc bấy giờ chỉ cần biết được đi ra khỏi vùng quê ấy, được ăn no ngày 3 bữa đã là thiên đường rồi. Có làm gì cũng không vất vả bằng ở nhà làm ruộng từ sáng đến tối mà không đủ cơm ăn"…mấy chục năm trên con đường lập thân, lập nghiệp không phải lúc nào anh cũng chiến thắng trên thương trường. Đã có những lúc túng quẫn, bị lừa gạt nhưng chưa bao giờ anh nản chí.
Khi tôi hỏi: Ai là người hỗ trợ anh thành công như ngày hôm nay? Câu trả lời của anh làm tôi hoàn toàn bất ngờ "Chính những khó khăn hơn người là may mắn của cuộc đời tôi. Bởi khi bị xô đẩy đến bước đường cùng, không còn con đường để lui thì buộc phải tiến lên. Con người khi biết tận dụng khó khăn để vươn lên thì khó khăn trở thành lợi thế". Hiện giờ anh là Tổng giám đốc Công ty TXT có trụ sở chính tại Hà Nội. Hiện công ty có hàng trăm lao động với tổng mức doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Có lẽ doanh nhân Bùi Xuân Trường là người có duyên với nhà Phật nên quan niệm của anh về thành công, về kinh doanh cũng rất khác. Với anh thành công là trong tâm thức chứ không phải quan niệm về tiền bạc. Chính vì vậy, chưa bao giờ anh coi mình là thành công nhưng anh vẫn quay về quê hương để trả "món nợ" cho nơi đã sinh ra mình. Điều đáng quý của anh Trường không chỉ thành đạt trong kinh doanh mà còn là doanh nhân giàu lòng nhân ái.
Anh luôn dành tình cảm chân thành của mình cho những cảnh đời khốn khó, luôn hướng về và dành cho quê hương Gia Sơn một tình cảm đặc biệt. Anh đau đáu tự hỏi sao quê mình bao nhiêu năm vẫn nghèo thế. Rồi anh quyết tâm phải làm gì đó để cho quê hương thay đổi, cho bà con bớt khó khăn.
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, năm 2010 anh chính thức thành lập Công ty cổ phần xây dựng và thương mại BT tại xã Gia Sơn. Mỗi năm Công ty nộp ngân sách Nhà nước tại Nho Quan hàng chục tỷ đồng. Nhận thấy Gia Sơn không có tiềm năng về phát triển nông nghiệp trong khi đó quỹ đất nhiều, lao động dồi dào nên Công ty đã đầu tư trên 60 tỷ đồng mở nhà máy may xuất khẩu, thu hút gần 1.000 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Bên cạnh đó, được sự cho phép của ngành Văn hóa cũng như chính quyền địa phương anh đang đầu tư xây dựng khu di tích chùa Mơ, được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Khi công trình hoàn thành sẽ là điểm nhấn tâm linh để xã Gia Sơn có thể phát triển du lịch.
Nói về những đóng góp của anh trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Gia Sơn cho biết: Sau 6 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, xã đã huy động nhiều nguồn lực từ xã hội hóa, trong đó vốn doanh nghiệp hỗ trợ chiếm 20,1%. Trong những đóng góp ấy phải kể đến vai trò không nhỏ của doanh nhân Bùi Xuân Trường.
Trong giai đoạn 2011-2017, doanh nhân Xuân Trường đã đầu tư xây mới 4 phòng học cho trường tiểu học, cải tạo và xây dựng 6 nhà văn hóa thôn, đầu tư xây dựng gần 1km đường trục chính của xã, nhà văn hóa xã và nhiều công trình khác phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn từ doanh nghiệp mà sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Gia Sơn hầu như không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đặc biệt, ngay từ năm 2006, anh thành lập Quỹ Khuyến học mang tên Bùi Xuân Trường tại xã Gia Sơn. Góp phần thúc đẩy phong trào dạy và học của xã. Đến nay quỹ đã phát thưởng cho hơn 300 cháu học sinh giỏi các cấp và thi đỗ các trường đại học.
Chia tay doanh nhân Bùi Xuân Trường, trong lòng tôi vẫn còn mãi nhớ về lời tâm sự của anh: "Khi làm được việc gì có ích cho quê hương, tôi lại cảm nhận được sự bình yên và hơi thở ấm áp của mảnh đất "chôn nhau cắt rốn". Những việc làm đó tuy chưa phải lớn lao nhưng đó là tấm lòng của mỗi người con xa xứ đối với nơi mình đã sinh ra và lớn lên".
Bài, ảnh:Nguyễn Thơm