Hơn 10 năm qua, Doanh nghiệp đã từng bước khẳng định được thương hiệu ở những thị trường trong và ngoài nước, cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư, nâng cấp, sản xuất được mở rộng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hàng năm, Doanh nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho gần 600 lao động tập trung tại xưởng sản xuất với mức thu nhập bình quân 900.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn có trên 60 vệ tinh thuộc địa bàn các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Kim Sơn và một số địa phương trong và ngoài tỉnh, thu hút từ 5.000 đến 7.000 lao động nông nhàn với mức thu nhập từ 700.000 đến 800.000 đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất hàng triệu sản phẩm, mang lại doanh thu từ 22-28 tỷ đồng, có năm đạt 31 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên dưới 1 tỷ đồng.
Đi đôi với mở rộng sản xuất, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được Doanh nghiệp coi trọng. Doanh nghiệp đã chủ động ký các chương trình phối kết hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tổ chức các lớp dạy nghề cho hàng nghìn lao động. Năm 2010, Doanh nghiệp đã dạy nghề cho hơn 1.000 lao động, trong đó Doanh nghiệp trực tiếp lập dự án dạy nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ cho 750 lao động nông thôn và hộ nghèo thuộc các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Yên Khánh, Yên Mô và Gia Viễn. Doanh nghiệp cũng đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp & PTNT dạy nghề cho 240 lao động nông thôn, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh dạy nghề và bao tiêu sản phẩm cho 35 lao động thuộc diện hộ nghèo… Đặc biệt, Doanh nghiệp được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tín nhiệm ký hợp đồng dạy điểm của tỉnh tại xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) cho 200 lao động nông thôn theo chương trình Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.Doanh nghiệp đã mở lớp dạy nghề đan cói se trên khung sắt cho 200 lao động nông thôn, trong đó hầu hết là lao động nữ với thời gian đào tạo là 2 tháng. Trong quá trình đào tạo, Doanh nghiệp hỗ trợ nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, do đó người lao động vẫn có thu nhập ngay cả khi còn là học viên.
Doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, kết hợp với các tổ chức đoàn thể các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Thủy của huyện Yên Khánh; các xã Yên Mạc, Yên Hưng của huyện Yên Mô; Gia Phong, Gia Minh, Gia Trung của huyện Gia Viễn tuyển sinh và tổ chức khai giảng các lớp học nghề cho 550 lao động nông thôn và các lao động thuộc diện hộ nghèo. Trong quá trình dạy nghề, Doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu. Kết quả sau 2 tháng học nghề, tổng số học viên tiếp thu nghề tốt đạt trên 95%, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được doanh nghiệp bao tiêu và thanh toán đầy đủ. Thu nhập của người lao động bước đầu đạt từ 650.000 đồng đến 800.000 đồng/người/tháng. Đến nay, số lao động này thường xuyên được Doanh nghiệp bố trí nguyên liệu để sản xuất, đồng thời bố trí cán bộ nghiệp vụ xuống tận nơi thu mua. Nhờ được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, cuộc sống của lao động nông thôn, lao động nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh được cải thiện đáng kể.
Nguyễn Hùng