Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh năm 2009 tình hình kinh tế nước ta sẽ còn khó khăn hơn so với năm 2008. Kinh tế thế giới suy thoái đang tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam khi một loạt các chỉ tiêu kinh tế như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp, kiều hối, du lịch, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới… trong những tháng cuối năm liên tục giảm. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2009 là tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Có như vậy thì mới có thể ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng mong rằng với tư cách là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho những giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2009 của Chính phủ để triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp này ngay từ những tháng đầu năm 2009.
Năm nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày cụ thể. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đến thời điểm này, tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ không tăng hơn tháng 11, như vậy cả năm 2008 CPI dự kiến tăng 21%. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế những tháng gần đây có dấu hiệu suy giảm. Tăng trưởng GDP năm 2008 chỉ xấp xỉ đạt 6,5%. Dự báo năm 2009 khả năng GDP tăng trưởng hơn 6,5% là rất khó. Trước tình hình đó, Chính phủ đã xác định năm nhóm giải pháp cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai thực hiện ngay, bao gồm: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tài chính, tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội và tổ chức thực hiện. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết Chính phủ đã quyết định sử dụng 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Trước mắt tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng phát huy hiệu quả ngay cho từng vùng; các dự án sử dụng nhiều nguyên vật liệu như sắt, thép…; các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà trọ cho sinh viên, nhà ở trong khu công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cùng với số tiền 1 tỷ USD của Chính phủ, có thể huy động thêm các nguồn lực xã hội khác để kích cầu với số tiền dự kiến lên đến 6 tỷ USD.
Đại diện các tập đoàn, tổng công ty đã bày tỏ sự nhất trí cao đối với năm nhóm giải pháp cấp bách của Chính phủ. Chủ tịch HDQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Đinh La Thăng cho rằng trên cơ sở năm nhóm giải pháp của Chính phủ, mỗi doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cụ thể phù hợp với từng doanh nghiệp. Còn theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà thì Chính phủ cũng cần sớm tổng kết đánh giá việc thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát đã thực hiện thời gian qua để rút kinh nghiệm triển khai 5 nhóm giải pháp sắp tới; có thời hạn rõ ràng để từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể…
Về gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần triển khai ngay gói giải pháp này, nếu làm chậm thì sẽ không phát huy tác dụng. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Quốc Ân, số tiền kích cầu cần được sử dụng hiệu quả, tập trung cho những dự án có khả năng hoàn thành ngay trong năm 2009. Tuy nhiên không rót tiền trực tiếp cho các dự án mà Chính phủ có thể hỗ trợ bằng việc bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng. Cùng chung quan điểm này, Tổng Giám đốc Trần Bắc Hà kiến nghị chỉ tập trung đầu tư 15-20 dự án có khả năng hoàn thành ngay trong năm 2009. Các dự án này sẽ có số vốn tự có từ 15-20%; vốn kích cầu của Chính phủ là 25-30% còn lại 45-50% là của các ngân hàng thương mại được chỉ định làm ủy thác.
Một trong những vướng mắc mà phần lớn các doanh nghiệp phản ánh với Thủ tướng chính là những quy định hiện hành liên quan đến luật đấu thầu, luật đầu tư và luật xây dựng. Theo Tong Giam doc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển thì định nghĩa thế nào là vốn nhà nước trong luật Đầu tư, luật Đấu thầu là rất khác nhau, doanh nghiệp lúng túng không biết áp dụng theo luật nào. Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cần sửa ngay ba luật này thì mới có thể thực hiện kích cầu có hiệu quả.
Trước bức xúc của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ trình ngay Quốc hội sửa đổi những bất cập trong luật Đấu thầu, luật Xây dựng…Chính phủ cũng chủ trương phân cấp mạnh hơn, giao trách nhiệm rõ hơn cho các chủ đầu tư là doanh nghiệp. Tuy nhiên đi liền với sự phân cấp là trách nhiệm, cần xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và người quyết định đầu tư.
Theo NDĐT