Cùng với diện mạo tươi mới của phố phường, "bức tranh" kinh tế của phường Ninh Khánh cũng có nhiều khởi sắc với hàng loạt các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh đã và đang được đầu tư phát triển trên địa bàn.
Trong tiến trình đô thị hóa, Ninh Khánh là địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn để triển khai thực hiện các dự án. Từ năm 2003 đến nay, toàn phường đã thực hiện giải phóng mặt bằng 27 dự án với 155,94 ha đất sản xuất nông nghiệp. Một nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là các hộ có đất bị thu hồi.
Cùng với đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, mở rộng mô hình kinh tế trang trại, phường đã tập trung phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, cơ cấu kinh tế công nghiệp - TTCN chiếm 39%; thương mại, dịch vụ 32%; nông nghiệp giảm còn 29%. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới, các dự án xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan được triển khai trên địa bàn phường đã tạo tiền đề để phường mở mang, phát triển ngành nghề, dịch vụ. "Đất lành chim đậu", nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tìm về Ninh Khánh để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong số đó phải kể đến doanh nghiệp anh Nguyễn Văn Son, một người con của quê hương Ninh Khánh sau nhiều năm làm ăn xa đã trở về quê hương mở Công ty TNHH Ninh Khánh, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương và một số vùng lân cận. Một số doanh nghiệp khác như Minh Trang, Hồng Nhật, Hoàng Sơn... lại có hướng đi mới trong chiến lược đầu tư, đó là phát triển ngành may mặc, thêu ren, tạo việc làm cho hàng trăm lao động của phường.
Điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường đã và đang "đồng hành" cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là số lao động có đất bị thu hồi. Phương châm mà Đảng ủy phường đặt ra là phấn đấu để giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân, không để người lao động phải đi làm ăn xa.
Cũng từ phương châm đó, hàng năm, Đảng ủy, UBND phường đều tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn phường. Riêng năm 2008, phường đã tổ chức 2 hội nghị gặp mặt. Tại hội nghị này, lãnh đạo địa phương cùng các doanh nghiệp đã "bàn" hướng làm ăn. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, thủ tục vay vốn, đồng thời là "cầu nối" để giới thiệu lao động đến doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, có nhiệm vụ tìm những ngành nghề mới phù hợp với lao động địa phương để đầu tư mở rộng sản xuất, xúc tiến đào tạo nghề, tuyển dụng lao động, trong đó ưu tiên hàng đầu cho lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị The, Giám đốc Doanh nghiệp Minh Trang tâm sự: Doanh nghiệp hiện đang tạo việc làm cho 60 lao động đều là con em Ninh Khánh với thu nhập bình quân từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Được chính quyền phường tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, lại được cho thuê nhà xưởng, Doanh nghiệp đang có hướng mở rộng sản xuất, mua thêm 50 máy may công nghiệp để thu hút thêm nhiều lao động vào làm việc.
Đồng chí Bùi Nguyên Mão, Bí thư Đảng ủy phường cho chúng tôi biết, nghề may mặc, thêu ren đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn phường với 4 doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí, sau đó thu hút lao động vào làm việc với thu nhập ổn định. Như vậy, doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy phường cũng cho biết: Năm 2007 giải quyết việc làm cho 86 lao động, năm 2008 giải quyết việc làm cho 168 lao động. Những năm trước đây, hàng năm Ninh Khánh có khoảng 30 lao động đi làm ăn xa, nay họ đã trở về lập nghiệp ngay tại quê hương. Cùng với may mặc, thêu ren, sản xuất hàng thủ công xuất khẩu..., các nghề mộc, nề, cơ khí cũng phát triển. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của đô thị, hệ thống thương mại, dịch vụ cũng ngày càng mở rộng với nhiều hộ kinh doanh, buôn bán cá thể.
Với phường Ninh Khánh, nỗ lực trong dạy nghề, giải quyết việc làm cũng là một giải pháp hữu hiệu để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương trong dạy nghề, giải quyết việc làm - đây cũng là một kinh nghiệm hay của Ninh Khánh để góp phần giải bài toán khó "nghề nghiệp - việc làm".
Minh Châu