Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập, hệ thống chính sách thuế đã được cải cách và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, hệ thống các Luật thuế đã được ban hành tương đối đồng bộ và có phạm vi điều chỉnh toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, công tác quản lý thuế đã hình thành một hệ thống tổ chức thống nhất trong cả nước, từng bước đã được củng cố và tăng cường, kiện toàn cả về tổ chức bộ máy thuế và quy trình nghiệp vụ quản lý thuế; xong tính pháp lý của các quy định về quản lý thuế chưa cao, dẫn đến hạn chế trong việc tuân thủ pháp luật thuế của các chủ thể tham gia quản lý.
Nhằm khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý thuế, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế Quốc tế, Luật Quản lý thuế ban hành và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.
Xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế tới các doanh nghiệp và bạn đọc quan tâm.
Một số nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế
Luật Quản lý thuế gồm có 14 chương và 120 điều, cụ thể:
Chương I: Những quy định chung
Chương II: Đăng ký thuế
Chương III: Khai thuế, tính thuế
Chương IV: ấn định thuế
Chương V: Nộp thuế
Chương VI: Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế
Chương VII: Thủ tục hoàn thuế
Chương VIII: Thủ tục miễn thuế, giảm thuế; xóa nợ tiền thuế, tiền phạt
Chương IX: Thông tin về người nộp thuế
Chương X: Kiểm tra thuế, thanh tra thuế
Chương XI: Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
Chương XII: Xử lý vi phạm pháp luật về thuế
Chương XIII: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện
Chương XIV: Điều khoản thi hành
Một số nội dung mới của Luật Quản lý thuế
1. Luật Quản lý thuế quy định đầy đủ các nội dung của công tác quản lý thuế, có phạm vi điều chỉnh thống nhất đối với toàn bộ các loại thuế, bao gồm cả thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng áp dụng của luật bao gồm:
+ Người nộp thuế: Tổ chức, cá nhân nộp thuế, các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước; tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
+ Cơ quan quản lý thuế (bao gồm cơ quan thuế và cơ quan hải quan)
+ Công chức quản lý thuế (bao gồm cả công chức thuế và công chức hải quan)
+ Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế.
3. Các thủ tục hành chính thuế được quy định đơn giản hơn, rõ ràng, minh bạch hơn, nhằm nâng cao trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế như: quy định các loại giấy tờ của từng hồ sơ thuế, thống nhất thời hạn nộp hồ sơ, khai thuế phù hợp với từng loại thuế theo từng thời kỳ: tháng, quý, năm... quy định gia hạn nộp và thời gian kê khai bổ sung khi phát hiện sai sót để điều chỉnh kịp thời... đảm bảo quyền lợi và khuyến khích tính tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
4. Luật Quản lý thuế quy định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, nhằm đảm bảo phục vụ hỗ trợ người nộp thuế và giám sát quá trình tuân thủ pháp luật của người nộp thuế có hiệu quả.
Thực hiện chức năng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, với việc công khai, minh bạch các thủ tục và thời hạn giải quyết hồ sơ thuế, quy định cụ thể quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ thuế theo cơ chế một cửa, quy định việc kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế, quy định công tác kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế... quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về người nộp thuế, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, trên cơ sở công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình vi phạm pháp luật trong trường hợp người nộp thuế có vi phạm pháp luật về thuế, mức xử phạt và các biện pháp cưỡng chế khi người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế...
5. Luật Quản lý thuế nâng cao được vai trò của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý thuế: Thông qua các hoạt động tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật thuế, nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cá nhân trong việc tham gia công tác quản lý thuế như: cơ quan cung cấp thông tin hoạt động có liên quan đến người nộp thuế: cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép thành lập, kho bạc Nhà nước... Cơ quan cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế như: Ngân hàng Thương mại, Tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà đất, cơ quan công an và cơ quan quản lý thương mại... Các cơ quan này phải có trách nhiệm phối kết hợp với cơ quan thuế trong việc cưỡng chế thu thuế, nhằm mục đích chống thất thu cho ngân sách.
Luật Quản lý thuế ra đời đã tạo lập khung pháp lý chung để thực thi tất cả các Luật, Pháp lệnh về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu, nó đã khắc phục được sự tách biệt về phương thức quản lý giữa các loại thuế, tạo nền tảng cho việc áp dụng một cơ chế quản lý thuế tiên tiến, hiện đại theo hướng tự tính, tự khai, tự nộp; đề cao quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của các chủ thể chấp hành pháp luật thuế, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
Thu Hương (Cục thuế tỉnh)