Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý quan trọng quan trọng, có tác dụng giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng người dân và mỗi tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp, vì vậy đề nghị các cán bộ, đoàn viên thanh niên quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là các quan điểm cơ bản, có tính nguyên tắc trong việc sửa đổi bổ sung hiến pháp lần này. Mong rằng các cán bộ, đoàn viên thanh niên sẽ phát huy dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng về toàn bộ nội dung Dự thảo hoặc từng chương, điều, khoản cụ thể mà mình quan tâm.
Tại hội nghị đa số các ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được chia thành 11 chương và 124 điều so với 12 chương và 147 điều của hiến pháp hiện hành như vậy là hợp lý, khoa học, ngắn gọn, logic. Nội dung dự thảo đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, tất cả đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao về việc tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn về bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tại Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và cho rằng việc quy định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Ngoài ra, tại hội nghị các cán bộ, đoàn viên thanh niên đã đóng góp ý kiến về một số nội dung quan trọng khác của Dự thảo. Trong đó, có ý kiến cho rằng: tại khoản 1, điều 4 đề nghị bổ sung cụm từ "duy nhất" sau cụm từ "là lực lượng lãnh đạo". Điều 66 và khoản 5 điều 36 Hiến pháp năm 1992 từng quy định về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi lại không có nội dung nào nói về thanh niên. Đề xuất giữ lại nội dung điều 66 Hiến pháp 1992 nhưng nghiên cứu để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tại điều 10 đề nghị bổ sung 2 từ "chính đáng" vào sau cụm từ "lợi ích hợp pháp của người lao động", bỏ 2 từ "thanh tra" vì thanh tra là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, còn tổ chức công đoàn là kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Duy Hiền