Đoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội làm việc tại Ninh Bình
Thứ Ba, 16/03/2021, 02:39
Zalo
Chiều 16/3, Đoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội làm việc tại Ninh Bình
Tham gia đoàn công tác có: Trung tướng Trần Quốc Tỏ, UVT.Ư Đảng, Thứ Trưởng Bộ Công an; Lê Quang Huy, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện một số bộ, ban, ngành của Trung ương.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; cùng lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành có liên quan, các thành viên Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi tắt là Ủy ban bầu cử tỉnh).
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã báo cáo với đoàn về việc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tỉnh Ninh Bình đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia và quy định của pháp luật về bầu cử; công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Ninh Bình đã được Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, lãnh đạo cuộc bầu cử tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh chủ động, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc báo cáo về việc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Việc tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ từ sự lãnh đạo của các cấp ủy đến sự chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tuân thủ quy định pháp luật, đúng theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, của các bộ, ngành Trung ương và đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch, lịch trình đề ra. Bằng sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn tin tưởng, phấn khởi, quan tâm, hưởng ứng tham gia cuộc bầu cử.
Cụ thể, tỉnh Ninh Bình đã bám sát Chỉ thị của Bộ Chính trị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác bầu cử. Ủy ban bầu cử đã được thành lập ở cả 3 cấp với 1 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, 8 Ủy ban bầu cử cấp huyện, thành phố và 143 Ủy ban bầu cử cấp xã, phường. Đồng thời thành lập 2 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; thành lập 1.060 Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 ở 1.060 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND đảm bảo số lượng, thời gian, thành phần theo Luật định. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai phục vụ công tác bầu cử đã được ban hành đầy đủ cho tất cả Ủy ban bầu cử ở 3 cấp.
Ngày 8/2/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Bình và người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026. Đến ngày 9/2/2021, 8/8 huyện, thành phố và 143/143 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất số lượng: 12 người ứng cử bầu đại biểu Quốc hội; 100 người ứng cử bầu đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; 521 người ứng cử bầu đại biểu HĐND cấp huyện; 6.912 người ứng cử bầu đại biểu HĐND cấp xã.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị lãnh đạo mở rộng để lấy phiếu tín nhiệm của những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026. Việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ của người ứng cử cũng được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, y tế - nhất là các phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, lực lượng có liên quan. Công tác thông tin tuyên truyền phục vụ bầu cử được triển khai đồng bộ, sâu rộng và toàn diện, qua nhiều hình thức, đa dạng và phong phú.
Công tác giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử được chú trọng. Ngoài ra, việc chuẩn bị các điều kiện vật chất phục vụ cuộc bầu cử như in ấn, cấp phát tài liệu; khắc dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử và chuẩn bị hòm phiếu các loại cũng được thực hiện nghiêm túc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung như công tác đảm bảo an ninh trật tự, y tế chuẩn bị cho cuộc bầu cử; thành phần cơ cấu người ứng cử; việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đã được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Đến thời điểm này, các bước chuẩn bị cho bầu cử của tỉnh cơ bản đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự, Nghị quyết của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã rất sát sao, chặt chẽ trong việc chỉ đạo, điều hành các nội dung chuẩn bị bầu cử.
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí đề nghị Ủy ban bầu cử tỉnh tiếp thu những ý kiến trao đổi tại buổi làm việc. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của cả nước và từng địa phương, là dấu mốc quan trọng được diễn ra ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Do đó, đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm một số nội dung sau: Tiếp tục quán triệt đầy đủ các chỉ thị của Đảng, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng, đặc biệt là bám sát các quy định của Luật bầu cử và các hướng dẫn để triển khai cuộc bầu cử đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước.
Tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai các khâu sau khi thu nhận hồ sơ người ứng cử, sớm chuyển hồ sơ về Hội đồng bầu cử Quốc gia, giấy tờ liên quan về MTTQ Việt Nam để tiến hành hiệp thương lần thứ 2. Tập trung triển khai việc thành lập các tổ bầu cử, lập danh sách cử tri địa phương lần 3, lập và công bố danh sách người ứng cử, chuẩn bị các điểm bầu cử và niêm yết danh sách. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn chặt chẽ, đúng quy định đối với các trường hợp tự ứng cử; đảm bảo cơ cấu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tiếp tục chỉ đạo xây dựng các phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật trong bầu cử; kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng phương án và triển khai lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, chú trọng những địa bàn trọng yếu, khu tập trung đông người.
Cơ quan y tế của tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, thường xuyên theo dõi tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các phương án trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, để Nhân dân thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định đây là những ý kiến quan trọng, giúp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác bầu cử trong thời gian tới. Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực, chủ động trong việc triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo đảm bảo theo đúng quy định như thành lập tổ bầu cử, niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các hội nghị hiệp thương. Đặc biệt là công tác nhân sự theo 5 tiêu chí: cơ cấu trẻ, cơ cấu nữ, cơ cấu người ngoài đảng, người dân tộc thiểu số và cơ cấu tái cử. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác tuyên truyền; công tác tự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đặc biệt là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong rằng, các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn để tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.