Đoàn giám sát thực tế tại Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn.
Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Quốc hội và một số Ủy ban của Quốc hội.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Ngọc Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo văn phòng Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đã báo cáo tóm tắt về "Hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo" của tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, xác định rõ vai trò, vị trí của KH&CN là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nên tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế làm cơ sở, tạo hành lang pháp lý cho phát triển khoa học, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Công tác xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và công nghệ từng bước được đẩy mạnh, huy động được nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ,...
Hiện nay tỉnh có 4 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ (Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Tổng công ty cổ phần giống và con nuôi Ninh Bình, Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình).
Công tác triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn 2005-2015, tỉnh đã thực hiện 375 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình: Nông nghiệp và PTNT, Công nghiệp, Khoa học xã hội và nhân văn, điều tra cơ bản, công nghệ cao.
Trong lĩnh vực khoa học, nông nghiệp, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của đại phương, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng vật nuôi đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế. Đẩy mạnh hướng dẫn, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh.
Thông qua triển khai các đề tài khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp các luận cứ khoa học để xây dựng quy hoạch dài hạn, xây dựng chính sách phát triển cho một số ngành trong tỉnh. Các dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp đã hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến dây truyền sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.....
Khoa học công nghệ đã hỗ trợ, xác lập quyền sơ hữu trí tuệ cho nhiều doanh nghiệp, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước và hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh....
Hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp thiết thực, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và công nghiệp phụ trợ và cơ khí chế tạo nói riêng, thu hút các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung chất vấn, giải trình, phân tích đánh giá kết quả đạt được và làm rõ các hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển; trong ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2015, cũng như những kết quả và hạn chế tồn tại trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ thêm một số kết nổi bật trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015.
Đồng thời cũng giải trình những nội dung mà Đoàn giám sát đã nêu: định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học công nghệ của tỉnh; mức đầu tư, nguồn nhân lực,... cho khoa học công nghệ.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên trong đoàn giám sát nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh Ninh Bình và có những kiến nghị với Đoàn giám sát: Xác định rõ ràng định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới; Vấn đề nguồn nhân lực cho khoa học; Có cơ chế quản lý nhà nước với các doanh nghiệp về khoa học công nghệ; ...
Sau khi nghe báo cáo và ghi nhận những ý kiến đóng góp, ý kiến giải trình của các đại biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Xuân Dũng biểu dương những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong việc phát triển KH&CN thời gian vừa qua.
Những kết quả đạt được đã cho thấy Ninh Bình rất quan tâm đến việc phát triển KH&CN. Nhiều dự án, đề án, chương trình, công trình khoa học…khi được áp dụng vào thực tế đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, đồng chí Phạm Xuân Dũng cũng nhấn mạnh, để Ninh Bình phát triển mạnh KH&CN trong thời gian tới tỉnh cần quan tâm, đầu tư nguồn ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa cho khoa học công nghệ; sáng tạo hơn các hoạt động khoa học công nghệ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải…
Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu của địa phương, tăng cường hợp tác quốc tế. Các kiến nghị, đề nghị của địa phương Đoàn ghi nhận sẽ đưa vào báo cáo trình Ban thường vụ Quốc hội.
Trước đó, Đoàn đã giám sát thực tế tại Chi nhánh Công ty Cổ phần ô tô Thành Công, Công ty sản xuất linh kiện điện tử (Hàn Quốc), Công ty THHH ADM2, Khu công nghiệp Khánh Phú, Công ty TNHH cơ điện Ninh Bình, Khu công nghiệp Khánh Phú, Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao.
Hồng Giang - Đức Lam