Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Thanh Bình, TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh; Bùi Mai Hoa, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện UBMTTQ VN tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã.
Tại buổi làm việc, thay mặt thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Bùi Mai Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình tổ chức hoạt động của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó báo cáo rõ về tình hình tổ chức, kết quả hoạt động của HĐND và đề xuất một số kiến nghị với Đoàn về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tổ chức 9 kỳ họp thường lệ, 2 kỳ họp chuyên đề, 1 kỳ họp bất thường. Tại các kỳ họp số lượng đại biểu tham dự khá đầy đủ, đa số đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp thiết thực, làm cơ sở cho HĐND quyết Nghị đúng và sát thực. Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý.
Thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 125 Nghị quyết về công tác nhân sự, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội...
Nhìn chung các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Công tác giám sát tại kỳ họp, giám sát giữa 2 kỳ họp từng bước được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm. Quy trình giám sát ngày càng nề nếp, nội dung giám sát được chuẩn bị kỹ, thời gian khảo sát, kiểm tra thực tế ở cơ sở được bố trí phù hợp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Qua giám sát đã kiến nghị những giải pháp để các cơ quan, tổ chức tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, thực hiện tốt hơn các văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND cùng cấp.
Việc theo dõi kết quả tiếp thu, đôn đốc giải quyết các kiến nghị củ đoàn giám sát đã được chú trọng hơn. Tỷ lệ giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau các cuộc giám sát đạt trên 70%, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Ngoài ra, các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và đôn đốc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Thường trực HĐND các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Mối quan hệ giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với các cơ quan liên quan được tăng cường.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của HĐND tỉnh đối với Quốc hội, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề phục vụ cho công tác giám sát của Đoàn như: giải pháp để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của HĐND các cấp, nhất là cấp cơ sở; số lượng, tỷ lệ, cơ cấu đại biểu HĐND; chức năng, thầm quyền của Thường trực HĐND tỉnh giữa 2 kỳ họp; việc theo dõi, giải quyết các vấn đề sau kiến nghị giám sát của HĐND; việc bố trí cán bộ chuyên trách ở các Ban của HĐND; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; công tác bầu cử; vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn"…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng nội dung mà Đoàn giám sát rất quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó đánh giá hoạt động của HĐND các cấp một cách thực chất, góp phần hoàn thiện thể chế.
Thời gian qua, hoạt động của HĐND các cấp đã phát huy tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã chuyển biến chậm, vai trò chưa được đề cao.
Từ thực tiễn, Ninh Bình kiến nghị, đề xuất với Quốc hội trong thời gian tới khi thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên thống nhất lựa chọn phương án giữ nguyên mô hình của tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp. Cần quy định cụ thể các chức danh của HĐND chuyên trách hay kiêm nhiệm để có sự thống nhất trong cả nước. Sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giám sát nói chung và công tác giám sát giải quyết đơn của công dân nói riêng...
Phát biểu kết luận cuộc giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Nương, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời trao đổi, phân tích rõ hơn về phương án tổ chức HĐND; về cơ cấu tổ chức HĐND, số lượng đại biểu, các chức danh đại biểu; hoạt động của tổ đại biểu…
Đồng chí cũng cho biết thêm, trong chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (dự kiến được tổ chức vào 5-6/2015) Quốc hội sẽ cho ý kiến vào một số Dự thảo luật, trong đó có Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND…
Những nội dung giám sát của Đoàn tại Ninh Bình là một trong những cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình tại kỳ họp tới đây, góp phần hoàn thiện các Dự thảo luật.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tiếp thu ý kiến góp ý của Đoàn giám sát và mong muốn trong thời gian tới những đề xuất, kiến nghị của Ninh Bình sẽ sớm được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giải quyết.
Mai Lan