Tham gia cùng Đoàn giám sát có đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố…
Giám sát tại UBND huyện Nho Quan, các trường: THPT chuyên Lương Văn Tụy; Tiểu học Thạch Bình và THCS Phú Lộc (Nho Quan); Tiểu học Quang Trung (thành phố Ninh Bình) và Đại học Hoa Lư…, các đại biểu trong Đoàn giám sát được nghe báo cáo, nêu ý kiến, kiến nghị về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương, đơn vị, trường học.
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Nho Quan.
Theo đó, nhiều kiến nghị, đề xuất được nêu ra với Đoàn giám sát như: Chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chậm đổi mới, do đó kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng thực hành và khả năng tự học của số đông học sinh phổ thông còn kém.
Tình trạng sách tham khảo, sách nâng cao bị buông lỏng trong quản lý, in ấn tràn lan ở các cấp học. Các trường phổ thông vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS chưa được quan tâm đúng mức.
Chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng; cần xem xét điều chỉnh, phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, vùng dân tộc, vùng khó khăn, hỗ trợ con em gia đình nghèo, gia đình chính sách…
Nhiều ý kiến của các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy tại các trường học được giám sát cho rằng, cần nghiên cứu, biên soạn lại chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo hướng giảm tải cho học sinh. Nội dung SGK phổ thông nên tham khảo thêm chương trình, SGK của các nước có nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo tính dân tộc.
Việc biên soạn SGK nên chọn những nhà giáo, nhà khoa học có năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm và am hiểu thực trạng giáo dục phổ thông. Đổi mới chương trình, SGK phải thực hiện đồng bộ ở các môn học, các cấp học; đồng bộ ở các khâu: học lý thuyết, thực hành, ôn tập, kiểm tra, thi và đánh giá; đồng bộ với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đảm bảo chương trình…
Kết luận tại các nơi đến giám sát, các đồng chí lãnh đạo đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, qua thực tế nắm bắt việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại các địa phương, đơn vị trường học, cơ sở giáo dục tỉnh Ninh Bình; với những ý kiến, kiến nghị thực tế, trực tiếp, xác đáng sẽ là căn cứ để Đoàn giám sát tổng hợp trình Quốc hội, các bộ ngành tham khảo, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, từ đó đưa ra các chủ trương, chính sách cũng như ban hành các luật liên quan đến giáo dục một cách sát thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước ta…
Hạnh Chi