Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, UBND huyện đã thành lập, kiện toàn các tổ chức để tổ chức thực hiện đồng thời xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng giai đoạn, thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm. Các hoạt động trợ giúp, tư vấn, can thiệp và các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình được triển khai rộng rãi. Bạo lực gia đình trên địa bàn huyện những năm qua chủ yếu tập trung vào nạn nhân nữ, lứa tuổi từ 16 đến 59.
Năm 2009, trên địa bàn xảy ra 60 vụ, đến năm 2013 còn 57 vụ, mức độ vi phạm chủ yếu đối với thân thể và đã được xử lý kịp thời. Nguyên nhân chính được xác định tại các vụ bạo lực gia đình là từ nhận thức chưa đầy đủ của các đối tượng về vấn đề này.
Trong những năm qua, huyện đã thực hiện các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình theo từng biện pháp quy định tại Luật phòng, chống bạo lực gia đình như tư vấn, hòa giải, góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư… Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình và nhân rộng trên toàn địa bàn.
Đến nay có 20 mô hình, 191 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 236 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 27 xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong lĩnh vực này, huyện cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: công tác phát hiện, can thiệp các vụ bạo lực gia đình trong một số trường hợp chưa kịp thời. Việc xử lý và áp dụng các biện pháp xử lý còn nhẹ, không có tính thuyết phục.
Đối với việc thực hiện các chỉ tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 và Kế hoạch của tỉnh tại Nho Quan cho thấy một số kết quả đáng chú ý. Về mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp trong huyện nhiệm kỳ 2011-2016 là 27,78% (tăng 10,28% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2010-2015 cấp huyện đầu nhiệm kỳ là 16,3%.
Thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động: từ năm 2007 đến nay huyện đã tạo được việc làm mới cho 11.990 lao động nữ, có 1.150 hộ nghèo do nữ làm chủ được vay vốn phát triển sản xuất. Ở một số mục tiêu khác cũng cho thấy nhiều kết quả nổi bật.
Đoàn giám sát đã yêu cầu huyện làm rõ thêm các nội dung về: công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở; về kết quả công tác tuyên truyền trong điều kiện kinh phí hoạt động thấp và kỹ năng hòa giải, kiến thức của một số thành viên tổ hòa giải chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; đề nghị làm rõ hơn hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ; cho biết sự tham gia của MTTQ và các tổ chức thành viên vào công tác này.
Đồng thời yêu cầu bổ sung các số liệu trong kết quả thực hiện mục tiêu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và một số nội dung khác.
Lãnh đạo huyện Nho Quan và đại diện các ngành có liên quan của địa phương đã trao đổi, làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của đoàn giám sát.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội-HĐND tỉnh đã ghi nhận sự nghiêm túc của huyện trong việc chuẩn bị các báo cáo và trả lời làm rõ các yêu cầu của đoàn giám sát. Kết quả của cuộc giám sát tại Nho Quan sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để đoàn tổng hợp báo cáo chung của toàn tỉnh, góp phần chuẩn bị cho kỳ họp HĐND sắp tới.
Đồng chí khẳng định: Trong những năm qua, hoạt động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực. Trong đó, đáng ghi nhận là đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác này.
Đối với một số kiến nghị, đề xuất của huyện về kinh phí xây dựng mô hình điểm, tăng biên chế cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này ở cấp xã, tăng cường việc tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã về bình đẳng giới,… đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo tỉnh xem xét, giải quyết.
Đồng chí Phan Tiến Dũng nhấn mạnh: Báo cáo của huyện đã nêu tương đối đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác này trên địa bàn, tuy nhiên đề nghị huyện cần sớm tìm ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này, kịp thời đề ra các giải pháp, phương hướng cụ thể giải quyết những tồn tại chủ quan. Đồng thời đề nghị UBND huyện hoàn thiện các số liệu, nội dung báo cáo theo yêu cầu của đoàn giám sát.
Duy Hiền-Thế Minh