Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh; thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh; Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh; đại diện một số sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất nhằm hoàn thiện pháp lý về sử dụng đất và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Việc lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp quan tâm chỉ đạo.
Việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã dựa trên các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực được đảm bảo; quản lý tốt quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, UBND các cấp đã thực hiện công bố, công khai và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng vấn đề đất đai đô thị, trong giai đoạn 2013 - 2018 nhiều quy hoạch đã được các cấp, các ngành có thẩm quyền phê duyệt: Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; Quy hoạch chung xây dựng thành phố Tam Điệp…. Việc quản lý, sử dụng và thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai tại đô thị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư được thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trên địa bàn tỉnh đã đo đạc, lập bản đồ địa chính dạng số được 90/145 xã, phường, thị trấn; UBND tỉnh đã ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện 82 công trình, dự án trong khu đô thị, với tổng diện tích trên 438ha; trong 5 năm toàn tỉnh đã cấp trên 94.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất các cấp và quy hoạch đô thị; việc giao đất, cho thuê đất, công tác thu hồi đất, thẩm định giá, bồi thường, hỗ trợ... UBND tỉnh cùng các ngành, địa phương cũng đưa ra nhiều kiến nghị về các vấn đề liên quan đến các quy định, chính sách trong quản lý đất đai, trong đó có việc điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp trong Luật đất đai năm 2013.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến đã giải trình những ý kiến trao đổi của thành viên Đoàn giám sát về các vấn đề liên quan. Đồng thời khẳng định Luật đất đai năm 2013 đã phát huy khá tốt vai trò ổn định các mối quan hệ về đất đai, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.
Tuy nhiên khi triển khai Luật đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, dẫn đến việc thực thi pháp luật về đất đai còn bất cập và gặp khó khăn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đoàn giám sát chia sẻ, có những giải pháp giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các quy định của Luật.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi giám sát.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tinh thần làm việc có trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh. Dựa trên cơ sở báo cáo, phần giải trình của UBND tỉnh và các kiến nghị tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực đất đai. Đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là những người trực tiếp liên quan đến công tác quản lý, giải quyết chính sách pháp luật về đất đai.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh làm nghiêm hơn, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, có hiệu quả hơn trong công tác quy hoạch để đất đai thực sự trở thành tài nguyên, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài. Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, đóng góp thêm ý kiến để UBND tỉnh bổ sung, hoàn thiện báo cáo, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới.
Hồng Giang - Đức Lam