Tham gia kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến, đóng góp trí tuệ trong việc biểu quyết các dự án luật hoặc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước. Trong tất cả các phiên thảo luận tại tổ, thảo luận ở hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đều tham gia đóng góp các ý kiến góp phần hoàn thiện các dự thảo dự án luật cũng như các nghị quyết, kế hoạch, đề án như: Luật Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...
Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung thảo luận và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước. Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế nội tại nền kinh tế đất nước, đó là: quá trình cổ phần và thoái hóa vốn Nhà nước còn chậm; việc giải ngân các dự án chậm, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế; tỷ lệ đóng BHXH, BHYT tự nguyện còn ít; công tác bảo vệ rừng còn nhiều bất cập và xử lý chưa đủ mạnh nên hành vi chặt phá rừng vẫn diễn ra, do đó cần phải gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm; việc thực hiện Luật Đầu tư công còn hạn chế; hoạt động của HĐND các cấp còn nhiều bất cập; việc thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nặng thành tích; nợ xây dựng cơ bản trong nông thôn mới còn cao. Việc dồn điền đổi thửa còn nhiều bất cập trong hoàn thiện hồ sơ địa chính.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 như: Trong hệ thống chỉ tiêu, đồng chí đề nghị cần đưa chỉ tiêu thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm là nhóm chỉ tiêu hàng đầu, đồng thời bổ sung thêm nhóm chỉ tiêu về năng suất lao động và chỉ số về sáng tạo và khoa học công nghệ. Năm 2018, đề nghị Chính phủ tiếp tục mạnh tay xử lý những trì trệ trong cải cách hành chính, cần đưa ra những cơ chế, chính sách và những quy định về lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để các địa phương nghiêm túc thực hiện...
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng đã đóng góp nhiều ý kiến trong Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh), về cơ chế đặc thù, dự án cần cân nhắc tính toán kỹ tính hài hòa của các dự án quốc gia lớn đã làm để tránh tình trạng suy bì, tạo phức tạp. Đại biểu cũng cho rằng, việc thu hồi, đền bù là vấn đề rất phức tạp, bởi nhiều khiếu kiện phức tạp, kéo dài hiện nay liên quan đến việc thu hồi, đền bù đất. Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai có sự thiếu công khai, minh bạch, chính xác. Phương án đền bù, diện tích từng gia đình, loại đất, tài sản đền bù phải được công khai ở khu dân cư để người dân giám sát. Chính sách đền bù phải nhất quán. Về thiết kế khu tái định cư, đại biểu đề nghị cần có tầm nhìn xa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị...
Đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình chủ trương đầu tư, cho đây là việc làm cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém chất lượng và sửa đổi nhiều lần, Chính phủ cần cân nhắc, xác định đoạn nào cấp thiết để tập trung đầu tư trước, phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo chất lượng và làm dứt điểm. Riêng đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh) nên cho chủ trương làm 6 làn đường để tránh việc đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều lần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông trong tương lai. ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh và Quốc hội đã quyết định sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần. Riêng dự án Cam Lộ - La Sơn vẫn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tiếp nối những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội từ kỳ họp thứ ba, tại kỳ họp lần này đã ghi nhận bước tiến mới trong hoạt động tranh luận tại các phiên thảo luận, không chỉ giữa đại biểu Quốc hội với thành viên Chính phủ mà còn giữa các đại biểu với đại biểu. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có nhiều lần tham gia thảo luận, tranh luận tại hội trường và chất vấn các thành viên Chính phủ, chất vấn Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần làm rõ hơn, sâu hơn các vấn đề được nêu. Các nội dung thảo luận tại hội trường cũng như các nội dung chất vấn của các vị ĐBQH trong đoàn đã được các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, giải trình, đề ra hướng khắc phục những tồn tại, bất cập. Các ý kiến đóng góp của Đoàn ĐQBH tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự đồng thuận của nhiều vị ĐBQH ở các đoàn khác, được Quốc hội đánh giá cao, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.
Đinh Ngọc