Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Thứ Sáu, 14/06/2024, 05:06
Zalo
Chiều 14/6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Hội Luật gia, các huyện, thành phố.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận về các nội dung quy định công chứng bản dịch; mô hình tổ chức của văn phòng công chứng; công chứng điện tử; trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng; quy định đối với các hành vi nghiêm cấm; Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên; Tổ chức hành nghề công chứng; Hình thức hành nghề của công chứng viên…
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Bố cục Dự thảo Luật gồm gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương và 29 điều so với Luật hiện hành.
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung cơ bản và những điểm mới trong dự thảo; đồng thời khẳng định việc xây dựng Dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ bền vững và phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa. Đại biểu cũng chỉ rõ mâu thuẫn và đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc sửa chữa thường xuyên, tu sửa cấp thiết di tích; xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý di sản văn hóa; quy định sinh kế trong vùng di sản; quy định trách nhiệm chủ thể quản lý di sản; bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản…
Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng ĐBQH tỉnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, nghiên cứu, tham gia đóng góp và chuyển tới cơ quan soạn thảo các dự án luật để bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.