Dự buổi khảo sát có các đồng chí: Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo thành phố Ninh Bình, Phòng GD&ĐT thành phố; đại diện Ban Giám hiệu trường Tiểu học và giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 một số trường trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Hiện nay, thành phố Ninh Bình có 15 trường Tiểu học, trong đó có 14 trường công lập và 1 trường tư thục, với 13.860 học sinh/368 lớp. Riêng lớp 1 có trên 3 nghìn học sinh, với 79 lớp. Toàn ngành có 601 cán bộ, giáo viên, nhân viên của 14 trường Tiểu học công lập. Riêng lớp 1 có 79 giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy các môn/79 lớp.
Các trường đều có đủ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành để dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ... cho học sinh lớp 1. Các trường đều có đủ phòng học cho mỗi lớp 1 phòng học riêng biệt, được bố trí vị trí hợp lý, có đủ đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.
100% phòng học lớp 1 được lắp đặt ti vi thông minh và kết nối Internet, tất cả các giáo viên dạy lớp 1 đều trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh để kết nối Internet, khai thác nguồn dữ liệu, sách điện tử khi dạy học ...
Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, ở các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, có 14/15 trường trên địa bàn thành phố lựa chọn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, có 1 trường Tiểu học chọn bộ sách "Cánh Diều" của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Đối với các môn Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm, có 9 trường lựa chọn bộ sách bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, 5 trường chọn bộ sách "Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục " do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và 1 trường Tiểu học chọn bộ sách "Cánh Diều" của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Qua 2 tháng giảng dạy các bộ sách giáo khoa lớp 1, trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã nảy sinh một số bất cập: Không có tuần đầu làm quen với nề nếp trường lớp, vào học luôn sau khi khai giảng, nên giáo viên mất nhiều thời gian hướng dẫn, củng cố nền nếp lớp... Chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt không có hướng dẫn cụ thể về tên âm, chữ cái... gây khó khăn, lúng túng cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Cùng với đó, sách giáo khoa và bộ thiết bị giá thành quá cao; mẫu mã, chất lượng bộ thiết bị học của học sinh kém, đặc biệt là bộ ghép chữ môn Tiếng Việt dùng nhanh hỏng...
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về các nội dung như: Vấn đề giá sách giáo khoa lớp 1; việc thiếu giáo viên lớp 1, ở cả môn văn hóa và môn chuyên ngành trong các nhà trường; vướng mắc trong thực hiện các khoản thu đầu năm học; cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường Tiểu học; công tác bồi dưỡng giáo viên trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018; chế độ phù hợp cho giáo viên dạy hợp đồng, dạy học sinh khuyết tật, tự kỷ; thực hiện dạy học 2 buổi trên ngày, có nên giao bài về nhà buổi tối; những khó khăn, bấp cập trong dạy và học chương trình lớp 1; việc chuẩn bị các điều kiện để tiếp cận sớm với sách giáo khoa các môn học lớp 2...
Kết luận buổi khảo sát, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự họp, đồng thời thống nhất các nội dung.
Đối với các kiến nghị với Bộ GD&ĐT như: Chỉ đạo các nhóm tác giả và hội đồng thẩm định sách rà soát, chỉnh sửa những nội dung, ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa các môn học lớp 1 sử dụng năm học 2021-2022. Có giải pháp chỉ đạo giảm giá sách giáo khoa, đồ dùng học tập, không nên phát hành sách học sinh đối với môn Giáo dục thể chất.
Đồng thời cần thẩm định, phê duyệt danh mục sách tham khảo dành cho học sinh đối với từng môn của mỗi bộ sách, hạn chế việc phát hành tràn lan, gây khó khăn cho giáo viên khi lựa chọn. Cùng với đó chỉ đạo các NXB và nhóm tác giả tăng cường việc thiết kế các video tiết dạy mẫu ở tất cả các môn học, các dạng bài, mẫu bài để làm tư liệu tham khảo cho các trường khi triển khai tại địa phương, đặc biệt đối với môn Tiếng Việt...
Đoàn ĐBQH tiếp thu, nghiên cứu và sẽ có đề xuất phù hợp với cấp có thẩm quyền để giải quyết, chỉnh sửa phù hợp.
Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, như cho phép tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; có chính sách về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường Tiểu học và kinh phí cho công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sử dụng sách giáo khoa lớp 2 vào năm học 2021-2022..., các đồng chí trong Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp, đề nghị các cấp, ngành, địa phương giải quyết, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy và học của các nhà trường.
Mỹ Hạnh- Minh Quang