Đoàn đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư- đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Hoa Lư. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ nguồn vốn ODA từ quỹ OFid, với quy mô là trên 40 km đường, tổng mức đầu tư là gần 500 tỷ đồng.
Công trình được khởi công tháng 12/2013 và đến tháng 12/2016 đã bàn giao, đưa vào sử dụng 39,6 km đường giao thông nông thôn cùng các hạng mục phụ trợ trên tuyến. Hiện tại, dự án đang triển khai thực hiện tiếp 634 m đường giao thông nông thôn cùng các hạng mục phụ trợ trên tuyến tại địa bàn huyện Kim Sơn và huyện Gia Viễn.
Đây là phần được nhà tài trợ Quỹ OFID và Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện bổ sung nhằm tận dụng hết nguồn vốn tài trợ kết dư, nằm trong phạm vi dự án, nối tiếp vào các tuyến đường hiện tại của dự án với mục tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của dự án. Dự kiến, việc đầu tư bổ sung sẽ hoàn thành trong tháng 6/2018.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, dự án được đầu tư từ nguồn vốn quỹ OFid, với cơ chế tài chính được ngân sách Trung ương cấp phát 100% vốn ODA để đầu tư xây dựng tại các vùng nông thôn khó khăn, đã góp phần nâng cao năng lực giao thương, đi lại, thuận tiện phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa bàn các xã được đầu tư.
Thực tiễn triển khai dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Ninh Bình được tiếp cận, vận động các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi có tính chất cấp phát 100% để tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển các dự án quan trọng để làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong điều kiện ngân sách tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, khi tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi có tính chất vay lại, đề nghị được giữ nguyên tỷ lệ vay lại đang áp dụng đối với tỉnh (vay lại 30% đối với vốn vay ODA, 70% đối với vốn vay ưu đãi thay vì dự kiến phải vay lại 50% áp dụng chung đối với cả vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi).
Đoàn đã trao đổi làm rõ sự cần thiết phải huy động nguồn vốn vay; quy mô dự án; hiệu quả sử dụng đầu tư vốn vay đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được được hưởng thụ dự án; chi phí, suất đầu tư dự án; những kiến nghị đề xuất của đơn vị...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở khảo sát tình hình thực tiễn, Đoàn tổng hợp để báo cáo Quốc hội xem xét.
Trước đó, Đoàn giám sát đã đi thị sát tình hình thực tế tuyến đường giao thông nông thôn và các hạng mục phụ trợ trên tuyến tại địa bàn huyện Kim Sơn.
*Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Đoàn giám việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2016 tại UBND thành phố Ninh Bình- Chủ đầu tư dự án Xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình.
Đoàn đi khảo sát tình hình thực tế tại nhà máy xử lý nước thải.
Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư từ năm 2010 và được tài trợ nguồn vốn ODA từ Ngân hàng thế giới thông qua Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới. Dự án được đầu tư với mục tiêu bảo đảm thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, nâng cao vệ sinh môi trường của 10/14 xã, phường trong thành phố. Công suất xử lý 15.000 m3/ngày đêm, chất lượng nước thải sau xử lý đạt chuẩn và được thải ra sông Vạc. Tổng mức đầu tư 430.306 triệu đồng, trong đó vốn vay từ ngân hàng thế giới là 358.911 triệu đồng còn lại là vốn đối ứng tỉnh Ninh Bình.
Đến tháng 7/2014 công trình được khởi công và đến tháng 12/2016 đã hoàn thành theo đúng nội dung Hiệp định đã ký kế ban đầu và quyết định phê duyệt. Việc đầu tư dự án xây dựng dự án giúp cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố Ninh Bình, đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng đời sống sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện tại Dự án đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng vì UBND tỉnh chưa phê duyệt giá dịch vụ thoát nước, UBND tỉnh chưa bố trí phần vốn đối ứng để thanh toán cho các nhà thầu (trên 27 tỷ đồng); chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải vì tại thời điểm phê duyệt dự án năm 2013 chưa quy định về lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nên dự án chưa đề cập.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài đối với dự án; tính hiệu quả của dự án; về những khó khăn của dự án, những kiến nghị của thành phố, của nhà thầu...
Đoàn đã đi khảo sát tình hình thực tế tại nhà máy xử lý nước thải.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của thành phố trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài đối với dự án trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Đoàn tiếp thu, báo cáo Quốc hội xem xét, giải quyết.
Mai Lan - Trường Giang