Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan: Giai đoạn 2011-2016, huyện Nho Quan được thụ hưởng 2 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA với tổng số tiền giải ngân là 68.455 triệu đồng. Đó là các dự án: "Xây dựng, nâng cấp đường 5 xã Gia Lâm, Gia Sơn, Xích Thổ, Phú Sơn và Thạch Bình"; Dự án "cải tạo, nâng cấp đường Bãi Lóng - Tiền Phong - Thạch La đến trung tâm xã Thạch Bình và đường Hùng Sơn đến trung tâm xã Xích Thổ".
Hiện nay, Dự án "Xây dựng, nâng cấp đường 5 xã Gia Lâm, Gia Sơn, Xích Thổ, Phú Sơn và Thạch Bình" đã thi công, hoàn thành nâng cấp được 17,01km đường và các công trình phụ trợ khác trên tuyến, đã thực hiện giải ngân 76,2% tổng mức đầu tư; còn lại 2,47km không thi công do không được bố trí vốn.
Đối với Dự án "cải tạo, nâng cấp đường Bãi Lóng - Tiền Phong - Thạch La đến trung tâm xã Thạch Bình và đường Hùng Sơn đến trung tâm xã Xích Thổ" hiện đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của dự án theo thiết kế được duyệt, gồm 7,576km đường giao thông và các công trình trên tuyến và đã giải ngân 75,26% tổng mức đầu tư.
Cũng theo đánh giá của UBND huyện Nho Quan: Công tác quản lý các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài được thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ Việt Nam và quy định của Nhà tài trợ. Tiến độ triển khai thực hiện dự án cơ bản đảm bảo phù hợp nguồn vốn được cấp. Việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành được tập trung thực hiện, giải ngân kịp thời, ưu tiên thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành.
Nguồn vốn sử dụng để thực hiện các công trình xây dựng, đều được quản lý, cấp phát, kiểm soát chi theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Các dự án được triển khai đầu tư, hoàn thiện đã làm chuyển biến và thay đổi đáng kể hạ tầng giao thông của 5 xã phía Bắc huyện Nho Quan, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, lưu thông, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án; góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương nơi các dự án được triển khai.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ một số vấn đề: Tiến độ thực hiện dự án; việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay; việc nợ nguồn vốn đối ứng; tính hiệu quả dự án...
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: trên cơ sở giám sát tình hình thực tế trên các tuyến đường thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài trên địa bàn huyện cho thấy tính hiệu quả của các dự án, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí đề nghị, huyện cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ các công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Những kiến nghị của huyện, Đoàn tiếp thu để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới, phục vụ công tác giám sát tối cao của Quốc hội đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
*Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2016 tại Công ty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát. Cùng tham gia đoàn giám sát có đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đoàn giám sát tại Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh.
Công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh được thành lập theo Hiệp định tín dụng 4115 ngày 02/3/2006 và hiệp định tín dụng 4710 ngày 25/5/2010 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng thế giới về việc tài trợ Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng với tổng vốn đầu tư trên 29 triệu USD. Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng thế giới là trên 26 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.
Đối với phần vốn giải ngân từ Ngân hàng thế giới, 50% vốn vay sẽ được Ngân sách Trung ương trợ cấp có mục tiêu cho Ngân sách địa phương vay trong thời hạn 20 năm, 5 năm ân hạn, không tính lãi suất. Kể từ khi thành lập đến nay, công ty đã tiếp nhận và quản lý, vận hành 30 xã cấp nước sạch. Hiện tại, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty chỉ đủ trang trải chi phí trực tiếp nên công ty không có nguồn để trả nợ Ngân hàng thế giới. Nguyên nhân chính là do số hộ sử dụng nước và khối lượng nước sử dụng hàng tháng khá thấp so với khi khảo sát lập dự án; giá trị tài sản cố định lớn dẫn đến khấu hao tài sản cố định lớn...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ một số vấn đề: việc trả nợ nguồn vốn vay; tình hình kinh doanh của công ty. Đoàn đã đi khảo sát tình hình thực tế tại Trạm cấp nước sạch xã Ninh An (Hoa Lư) và Trạm cấp nước sạch xã Mai Sơn (Yên Mô).
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ những khó khăn của công ty, đồng thời khẳng định, hoạt động của công ty bước đầu đã đem lại lợi ích nhiều mặt cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Công ty, Đoàn tiếp thu để báo cáo Quốc hội xem xét.
Mai Lan - Thế Minh