Sau khi nghe đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thông báo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu cử tri đã phát biểu đề xuất các ý kiến kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, tập trung vào các nội dung: Những khó khăn trong việc triển khai việc dạy và học theo mô hình mới về cơ sở vật chất, kinh phí cho học sinh tham dự các buổi ngoại khóa, về đội ngũ giáo viên. Cử tri đề nghị các đại biểu có ý kiến để Quốc hội khi xem xét, phê duyệt đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần xét đến chương trình sách giáo khoa được biên soạn cần giảm tải, đủ kiến thức hợp lý về thời gian để thực hiện. Mọi thay đổi trong giáo dục cần xem xét thận trọng đến thời điểm, thời gian thực hiện và điều kiện về con người, cơ sở vật chất, nhu cầu xã hội.
Việc đổi mới trong thi cử cần đánh giá một cách khoa học, sát thực tiễn phương án tổ chức các kỳ thi và phải có lộ trình cụ thể, được công bố chính thức trước khi bắt đầu năm học mới và phải phù hợp với chương trình giáo dục để các cơ sở giáo dục có kế hoạch thực hiện và phối hợp tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị tiếp tục tuyên truyền từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân, của phụ huynh và học sinh về động cơ học tập, học để có kiến thức để lập nghiệp, khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, đổi mới việc dạy nghề trong trường THPT cho hiệu quả, thiết thực hơn.
Có ý kiến cho rằng chỉ tiêu chiêu sinh của các trường Sư phạm nên bắt nguồn từ nhu cầu thực tế từ các tỉnh, thành phố để việc đào tạo phù hợp, tránh được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Đề nghị cho đổi tên gọi chi hội Cựu giáo chức ở cấp xã thành Hội Cựu giáo chức.
Cử tri cũng kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục đào tạo; có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo lại để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý nhằm đáp ứng được tinh thần đổi mới.
Sớm ban hành chương trình sách giáo khoa mới đồng bộ phù hợp với nội dung đổi mới; quản lý chặt chẽ các loại hình đào tạo để tạo sự tương đồng giữa bằng cấp và năng lực; có chính sách thu hút đối với sinh viên sư phạm; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; xem xét giải quyết cho cán bộ quản lý giáo dục cấp Bộ, sở, phòng cũng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi như các nhà giáo khác; đề nghị Bộ Giáo dục thay đổi quy định số lượng học sinh trên lớp đối với bậc tiểu học, THCS đáp ứng việc dạy học theo mô hình trường học mới.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu ý kiến của cử tri. Đồng chí nhấn mạnh, chấn hưng giáo dục là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua tỉnh Ninh Bình luôn dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục - đào tạo, 5 năm trở lại đây ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình luôn ở tốp 10 tỉnh dẫn đầu trong cả nước. Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp tới.
Đồng chí cũng chia sẽ những khó khăn của ngành Giáo dục - Đào tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI, đồng thời trao đổi, làm rõ một số vấn đề về: bố trí trường lớp, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, chứng chỉ nghề trong giáo dục phổ thông, chính sách cho giáo viên, cơ chế tài chính đối với các loại hình đào tạo, quy định thành lập các tổ chức Hội...
Liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất trường học, đồng chí đề nghị địa phương cần rà soát lại thực trạng các trường học, tiếp tục quan tâm, cân đối các nguồn kinh phí đầu tư cho phù hợp.
Đồng chí yêu cầu ngành Giáo dục cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể (Hội đồng giáo dục nhà trường, tổ chức công đoàn, Đoàn- Đội) thông qua hoạt động đoàn thể để khuyến khích, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo, khả năng của mỗi học sinh; mong muốn các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, mỗi thầy cô là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước và hội nhập quốc tế…
Cũng tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo huyện Gia Viễn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện.
Khải Hoàn