Kỳ họp thứ chín được chia thành 2 đợt kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung (đợt 1 từ ngày 20 - 28/5; đợt 2 từ ngày 8 - 19/6). Theo đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Trong điều kiện đặc biệt khi vừa phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn với dịch COVID-19, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, việc bố trí kỳ họp như vậy là hợp lý.
Giữa 2 đợt, có khoảng thời gian 1 tuần Quốc hội tạm không bố trí họp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua. Các ĐBQH cũng có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của các chính sách để chuẩn bị tốt ý kiến tham gia thảo luận, xem xét, quyết định tại đợt 2.
Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội tập trung xem xét các vấn đề về kinh tế - xã hội và dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp.
Tham gia kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến, đóng góp trí tuệ góp phần hoàn thiện các dự án luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp...
Đồng thời tham gia thảo luận, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao để Quốc hội phê chuẩn các nghị quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...
Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung thảo luận và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Tham gia thảo luận ở tổ về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã đề xuất các giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất: trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách thúc đẩy thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực; rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ; xây dựng cơ chế đặc thù, tăng cường xã hội hóa, phát huy hợp tác công tư; sớm cụ thể hóa Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần có hướng dẫn, khung tiêu chí, lộ trình, nguồn lực cụ thể để các địa phương tham gia vào kế hoạch tổng thể chung; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp một cách rộng rãi.
Từ tình hình thực tế trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để đảm bảo kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, do không thể tổ chức các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2020 theo kế hoạch vì dịch COVID-19, đại biểu đã đề nghị Chính phủ cho phép Ninh Bình tiếp tục được đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, vừa qua, Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát động Năm Du lịch Quốc gia 2021. Đây là tin vui đối với ngành Du lịch của tỉnh, là cơ hội để Ninh Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tiếp nối những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, tại kỳ họp lần này đã ghi nhận bước tiến mới trong hoạt động tranh luận tại các phiên thảo luận, không chỉ giữa đại biểu Quốc hội với thành viên Chính phủ mà còn giữa các đại biểu với đại biểu.
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã nhiều lần tham gia thảo luận ở tổ, tranh luận tại hội trường, qua đó góp phần làm rõ hơn, sâu hơn các vấn đề được nêu. Các nội dung thảo luận của các vị ĐBQH trong đoàn đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải trình. Các ý kiến đóng góp của Đoàn ĐQBH tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự đồng thuận của nhiều vị ĐBQH ở các đoàn khác, được Quốc hội đánh giá cao, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Ông Lã Phú Nhuận, cử tri xã Khánh Thịnh (Yên Mô) bày tỏ: Theo dõi kỳ họp, trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã dẫn chứng và tranh luận về vấn đề nên hay không nên cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Trong đó, đại biểu đề nghị: cần phải xem xét, đánh giá lại các doanh nghiệp này đã có những đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? như giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách như thế nào? Trong khi đó, hoạt động tín dụng đen thời gian qua gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội. Cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động chẳng khác nào chúng ta trang bị một chiếc áo giáp kiên cố, che đậy cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Tôi rất tán thành với ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương. Được biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương cũng như nhiều vị đại biểu khác, khi thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), Quốc hội đã chính thức quy định "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" là một trong những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tỉnh, không chỉ đưa tiếng nói của cử tri Ninh Bình đến với diễn đàn Quốc hội mà còn tham gia có hiệu quả vào công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó tăng niềm tin của cử tri với các đại biểu dân cử.
Mai Lan