Theo báo cáo của Chính phủ, Nghị định thư sửa đổi được thông qua theo Quyết định của Đại hội đồng WTO ngày 28/11/2014, theo đó Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định WTO) để bổ sung Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (Hiệp định TF) vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO. Hiệp định TF đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Bali- Indonesia tháng 12/2013. Nghị định thư sửa đổi sẽ được mở để các nước Thành viên chấp thuận và sẽ có hiệu lực theo quy định tại khoản 3, Điều X của Hiệp định WTO (khi đủ 2/3 số nước Thành viên thông qua).
Sau khi Nghị định thư sửa đổi có hiệu lực, Hiệp định TF sẽ được đưa vào phụ lục 1A của Hiệp định WTO (thứ tự đứng sau Hiệp định về các biện pháp tự vệ). Hiệp định TF gồm 3 phần chính: Phần I: quy định về các biện pháp kỹ thuật; Phần II: Các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia Thành viên đang phát triển và kém phát triển; Phần III: Các thỏa thuận thể chế và các điều khoản quy định cuối cùng. Về điều khoản bảo lưu, theo quy định của WTO, tất cả các thành viên đều chấp nhận toàn bộ nội dung Nghị định thư sửa đổi và Hiệp định TF. Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ Hiệp định đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong WTO.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Chủ tịch nước đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thảo luận về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Những nội dung của Hiệp định phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại quốc tế mà Chính phủ đang thúc đẩy nhằm đẩy mạnh thương mại, khuyến khích xuất khẩu. Do đó đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Phương, các đại biểu thảo luận ở tổ cũng cho rằng, với tư cách là thành viên WTO, việc Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là yêu cầu bắt buộc. Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi để triển khai Hiệp định TF của WTO phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế nói chung và trong WTO nói riêng.
Đồng thời là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi sau khi Hiệp định TF có hiệu lực với tư cách là nước đang phát triển. Hiệp định TF có nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện...
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo về đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO); nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khí tượng thủy văn và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Luật Khí tượng thủy văn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, gồm 11 chương, 60 điều. Luật quy định về các hoạt động khí tượng thủy văn; quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn, các đại biểu cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến dự báo, cảnh báo thiên tai là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng; quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn...
Mai Lan