Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đã báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh 8 tháng đầu năm 2014: Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành, của tỉnh, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất, kinh doanh, khoảng 15% số doanh nghiệp có bước phát triển. Số đông doanh nghiệp vẫn duy trì được việc làm, đời sống cho người lao động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến công tác xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tiêu biểu là: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Thành; Công ty TNHH xây dựng Hùng Oanh; Công ty TNHH thương mại Lộc Tài, doanh nghiệp tư nhân Minh Trí, Thanh Xuân...
Tuy vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do hậu quả của nhiều năm kinh tế suy giảm, khủng hoảng. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc lớn hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải, đó là: Tổng cầu giảm, sức mua giảm, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn; một số vật tư nhiên liệu thiết yếu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tăng như: giá điện, nước, xăng, dầu… Vì vậy, số đông các doanh nghiệp vẫn còn sản xuất cầm chừng, nhiều lĩnh vực bị giảm sút, nhất là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.
Từ tình hình thực tiễn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu một số kiến nghị, đề xuất với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Nhà nước cần quan tâm đào tạo, tập huấn cho Giám đốc và bộ máy quản lý của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Hiện nay, số đông doanh nghiệp còn rất vướng mắc, không tiếp cận được nguồn vốn do tiêu chí thẩm định của ngân hàng ngày càng thận trọng, xen lẫn tư tưởng nợ xấu tăng lên. Tình trạng này dẫn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó tiếp cận vốn.
Đề nghị ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách tái cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới, đối với những khoản nợ khó đòi thì chỉ lấy gốc và không lấy lãi.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, lãi suất hiện nay có giảm nhưng vẫn còn cao, tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng lãi suất ở mức 8%, 9% chưa nhiều, trong khi đó số đông doanh nghiệp đang vay ở mức lãi suất 10% trở lên, thậm chí có doanh nghiệp còn phải chịu lãi 16,17%. Đề nghị nhà nước có các giải pháp đưa lãi vay bình quân xuống bằng và nhỏ hơn 8%. Tăng cường thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất giúp các doanh nghiệp giải quyết các thủ tục, vướng mắc được nhanh gọn, kịp thời.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp, Đoàn sẽ tổng hợp để trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mai Lan-Anh Tuấn