Đoàn đã nghe lãnh đạo Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh trong những năm qua và 9 tháng năm 2012. Theo đó, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng hoạt động của công ty vẫn tương đối ổn định trên cả 2 lĩnh vực sản xuất xi măng và cán thép. 9 tháng năm 2012 Công ty đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Riêng nhà máy xi măng hoạt động hết công suất với sản lượng 2 triệu tấn/năm, xuất khẩu cho các thị trường Đài Loan, Ấn Độ và các nước Châu phi... Về tình hình tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hiện nay Công ty đang có quan hệ tín dụng với hầu hết các ngân hàng lớn trên địa bàn, do tình hình tài chính lành mạnh nên Công ty luôn được các ngân hàng cấp cho hạn mức tín dụng hàng năm là 3.000 tỷ đồng với lãi xuất từ 9-13%. Lãnh đạo Công ty cũng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ về thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại… để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư nước ngoài và tiếp tục lành mạnh hóa hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Khảo sát tại Công ty cổ phần gạch ngói sông Chanh, Đoàn được cho biết: Trong năm 2012, Công ty cổ phần gạch ngói sông Chanh gặp nhiều khó khăn trên cả ba lĩnh vực hoạt động là sản xuất gạch, kính xây dựng và kinh doanh vận tải biển. Nhà máy gạch từ đầu năm 2012 đến nay mới tiêu thụ được 23 triệu viên, dự kiến cả năm sẽ tiêu thụ được 30 triệu viên (bằng 50% công suất thiết kế). Do khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nên hiện tại Công ty không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất mà đang nỗ lực tiết kiệm tối đa chi phí, tăng cường hoạt động marketing nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Cũng tại buổi khảo sát, lãnh đạo Công ty cũng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có chính sách dài hạn ổn định lãi xuất, tạo môi trường cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất; tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn, giãn, miễn giảm thuế; thực hiện các chính sách kích cầu đối với thị trường vật liệu xây dựng; nâng cao hiệu quả của các chương trình đầu tư công…
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương. Với những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Đoàn tiếp thu, tổng hợp, phân tích làm cơ sở phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
Tin, ảnh: Quốc Khang