Buổi sáng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghe lãnh đạo Công ty báo cáo về các chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và Công ty đang thực hiện đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; Tình hình, kết quả hoạt động đầu tư của công ty về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ năm 2006- 2011. Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, trong những năm qua, công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi đáp ứng tốt yêu cầu về nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác của tỉnh. Hiện nay, công ty đang quản lý vận hành 131 trạm bơm điện với 585 máy có công suất từ 320m3/h đến 8000m3/h; quản lý 7 hồ chứa, đập, 5 âu thuyền, 204 cống dưới đê, 240 tuyến kênh chính, 32 tuyến kênh cấp 2… phục vụ tưới tiêu cho trên 93,7 nghìn ha canh tác. Từ khi chuyển đổi đến nay, công ty đã nhận được trên 257 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ tiền miễn thủy lợi phí, hoạt động thường xuyên, tiền điện bơm nước, sửa chữa công trình… Bên cạnh những kết quả đạt được, công ty cũng nêu một số khó khăn trong quá trình hoạt động liên quan đến mức thu thủy lợi phí quy định tại Nghị định số 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ làm căn cứ để lập dự toán mức cấp bù thủy lợi phí; Mức thu phí vận tải qua âu, công thủy lợi quy định tại Nghị định 115/2008/NĐ-CP; ngân sách cấp cho quỹ Khen thưởng và Phúc lợi… Trên cơ sở đó, Công ty Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, kiến nghị Chính phủ một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Công ty. Về việc vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi hiện nay ở một số nơi xảy ra hiện tượng lấn chiếm hành hang công trình thủy lợi, đổ rác thải vào công trình gây mất vệ sinh, ách tắc dòng chảy… kiến nghị cần có biện pháp kiên quyết đảm bảo an toàn cho các công trình nhất là vào mùa mưa lũ.
Chiều cùng ngày Đoàn đã có buổi khảo sát tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về các chính sách, pháp luật tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Kết quả, tồn tại trong việc thực hiện hoạt động tín dụng của Ngân hàng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tác động của hoạt động tín dụng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn… Thực hiện nhiệm vụ cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng NN&PTTN tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn vay. Đến nay, tổng dư nợ của Chi nhánh đã đạt 6.233 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 45%; dư nợ ngành thương mại - dịch vụ chiếm 29%; dư nợ ngành CN-XD chiếm 26%. Đối tượng cho vay của Ngân hàng tập trung vào các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến tiêu thụ nông, lâm, ngư nghiệp, các HTX chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với xuất khẩu, cung ứng vật tư nông nghiệp… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất phát huy lợi thế địa phương đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Cũng tại buổi khảo sát, lãnh đạo chi nhánh cũng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ thêm nguồn vốn để giải ngân cho các dự án nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả; có chính sách về vốn và xử lý rủi ro tín dụng đối với đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; phân loại nguồn vốn phục vụ chương trình xây dựng NTM, trong đó các đối tượng thuộc lĩnh vực không sinh lời do đầu tư công của Nhà nước và nhân dân đóng góp, phần vốn đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời thuộc nguồn vốn tín dụng ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân; nghiên cứu thực hiện chính sách bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện nhanh chóng khôi phục lại sản xuất khi gặp rủi ro, ổn định đời sống cho người nông dân…
Phát biểu kết luận các buổi khảo sát, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của các đơn vị. Đoàn tiếp thu những kiến nghị, đề xuất, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo làm cơ sở để Đoàn phản ánh đến Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
Quốc Khang