Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí Bùi Đắc Luyên, Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, TVTU, Trưởng ban dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Viện Kiểm sát; Tòa án nhân dân tỉnh...
Tại buổi làm làm việc, đồng chí Phạm Đức Hòa, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh báo cáo kết quả triển khai Luật đặc xá trên địa bàn. Theo đó, ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tuyên truyền về Luật đặc xá cũng như các chủ trương, quyết định của Chủ tịch nước, các quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự xét đặc xá đến cán bộ nhân dân và các đối tượng đang chấp hành hình phạt tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Trước mỗi đợt đặc xá, trên cơ sở danh sách phạm nhân thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh được đề nghị đặc xá và số người được đặc xá theo dự kiến của Cục V26-Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh có văn bản chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho UBND các cấp, phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để tiếp nhận, hỗ trợ, tạo việc làm cho người được đặc xá.
Từ khi Luật đặc xá có hiệu lực đến nay, đã có 2 đợt đặc xá, riêng trong năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã có 147 người được đặc xá, qua theo dõi của lực lượng công an cơ sở, đến nay, các đối tượng này đều chấp hành tốt các quy định của Pháp luật, chưa có ai tái phạm đang từng bước ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng.
Đoàn giám sát đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Luật đặc xá tại Công an Ninh Bình, hoạt động đặc xá đã được Công an tỉnh triển khai đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Đoàn sẽ nghiên cứu những kiến nghị của Công an tỉnh để đề xuất với Quốc hội, Chủ tịch nước. Đoàn cũng đề nghị Công an tỉnh cần có kế hoạch theo dõi các đối tượng được đặc xá, đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ người được đặc xá nhanh chóng ổn định cuộc sống hòa nhập với cộng đồng.
Quốc Khang