Vùng kinh tế biển Kim Sơn gồm 3 xã, 1 thị trấn và toàn bộ vùng bãi bồi với diện tích tự nhiên khoảng 8.326 ha; là vùng có những giá trị đa dạng sinh học toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của Thế giới và là vùng có điều kiện tự nhiên và môi trường thuận lợi cho các ngành kinh tế biển.
Những năm qua, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai đồng bộ các chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Qua đó, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, làm thay đổi diện mạo hạ tầng nông thôn các xã ven biển; đồng thời góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc.
Nuôi trồng thủy sản bước đầu trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng ngoài đê BM III có diện tích 1178 ha chủ yếu nuôi ngao với sản lương đạt gần 14.000 tấn; vùng trong đê BM III, diện tích 1937 ha, sản lượng nuôi đạt: 900 tấn tôm các loại, 400 tấn cua...
Năm 2016, toàn tỉnh có 95 tầu khai thác biển, đạt sản lượng trên 3.000 tấn. Năm 2017 có thêm 4 tầu của 4 ngư dân trên địa bàn được tạo điều kiện đóng mới tàu cá vỏ thép khai thác xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt trên 20 nghìn tấn (tăng gần 17 nghìn tấn so với năm 2010).
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển huyện Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, song chưa có quy hoạch chi tiết chư từng phân khu. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ được quan tâm...
Tuy nhiên việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc cụ thể hóa chủ trương, cơ chế chính sách phát triển kinh tế biển còn lúng túng, chưa thống nhất và chưa có tầm nhìn dài hạn.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đã có nhưng quá trình triển khai cắm mốc chậm; chưa có quy hoạch chi tiết cho từng phân khu. Việc dừng ký hợp đồng toàn vùng không thời hạn đối với các hộ nuôi trồng thủy hải sản để triển khai các dự án gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến sản xuất...Do vậy kinh tế vùng ven biển Kim Sơn tăng trưởng chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng.
Đoàn giám sát, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị các đơn vị làm rõ thêm những nội dung như: Những bất cập từ các chính sách pháp luật hiện hành đối với hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế biển đến với các ngư dân; Hạ tầng phát triển kinh tế biển cần những gì; quản lý nhà nước về địa giới hành chính, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ kết quả và hiệu quả; vấn đề chế biển thủy sản thực trạng và tương lai; bố cục báo cáo, câu chữ và số liệu …
Ngay sau đó, những vấn đề trên, theo nhiệm vụ chức năng, liên quan đến sở ngành nào thì cơ quan, đơn vị đó tiếp thu và giải trình, làm rõ cho với Đoàn.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Hạ tầng phục vụ cho phát triển vùng kinh tế biển cần có sự khảo sát kỹ, đề xuất tham mưu cho sát, tránh lãng phí.
Về thực hiện NĐ 67 vẫn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân, nhưng phải khảo sát, xem xét kỹ với các hộ, gia đình có nhu cầu với các điều kiện về kinh nghiệm sản xuất, năng lực tài chính và nếu không đáp ứng được thì không làm.
Việc quản lý địa giới về hành chính nên mở rộng địa giới các xã hiện có, sau này khi đã phát triển lên có thể tách thành lập xã mới...
Những vấn đề trên Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ đưa vào chương trình làm việc để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp tới.
Đinh Chúc