Tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, An Giang, Đồng Tháp và Bến Tre, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung của dự thảo Luật này. Các ý kiến đều đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật Bồi thường Nhà nước vì từ thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra và thực tiễn thi hành cho thấy pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi. Do vậy, việc ban hành Luật Bồi thường Nhà nước là cần thiết, đồng thời việc ban hành Luật cũng nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Phần lớn các ý kiến đều đồng ý với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và các nội dung chính của dự án Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau: về tên gọi của dự án Luật cần đảm bảo thống nhất để không gây ra sự hiểu nhầm về bên có trách nhiệm bồi thường và đối tượng được bồi thường thiệt hại trên thực tế; Về phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước: có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần quy định Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường không chỉ đối với thiệt hại do bị oan mà còn đối với thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng hình sự gây ra, nên có giới hạn về phạm vi các trường hợp được Nhà nước bồi thường. Về việc quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại do người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật gây ra: nhiều đại biểu cho rằng nên quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước trong cả trường hợp người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; Về thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước cũng được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến và đề nghị xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu bồi thường nhà nước đến cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước…
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe các Tờ trình dự án Luật Lý lịch tư pháp; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Tờ trình về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã và các báo cáo thẩm tra các tờ trình dự án, đề án nói trên.
Bùi Diệu