Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song sản xuất nông nghiệp năm 2016 của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Vụ đông xuân diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt trên 52 nghìn ha, năng suất lúa đạt trên 66 tạ/ha. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 4.100 tỷ đồng (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015).
Vụ mùa, chịu ảnh hưởng của bão số 1 và số 3, trong đó bão số 1 làm mất trắng trên 7.700 ha lúa mới cấy và hơn 1.500 ha cây màu. Tuy nhiên, thiệt hại đã nhanh chóng được khắc phục, toàn bộ diện tích 37.185 ha lúa đã được chăm sóc đợt 2, diện tích lúa đã trỗ được trên 4.900 ha.
Chăn nuôi phục hồi, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 29.000 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Sản xuất thủy sản tiếp tục được mở rộng, tổng sản lượng thủy hải sản đạt gần 26.700 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay đã có 95 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất; đang dự thảo Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Đến nay, có thêm 3 xã của huyện Hoa Lư được công nhận đạt chuẩn NTM; đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục xét duyệt đối với 18 xã còn lại đăng ký đạt chuẩn năm 2016 và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM.
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, sau gần 2 năm thực hiện, nông dân đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu của thị trường, sản xuất nông nghiệp đang dần gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sở đã triển khai 2 mô hình thí điểm tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh và Yên Thái huyện Yên Mô. Phấn đấu đến hết năm 2017, 2 xã được công nhận đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2016: Từ 1/1/2016 đến 31/8/2016 đã thực hiện trên 710 tỷ đồng bằng 72% kế hoạch.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí năm 2016 cho công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, rà soát điều chỉnh quy hoạch ngành phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh, xây dựng các mô hình điểm trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và các mô hình tăng trưởng mới của ngành; đề nghị cấp kinh phí để tiếp tục triển khai dự án phân bón Power Ant I, II ; kinh phí cho trung tâm Giống thủy sản để phục vụ sản xuất, vận chuyển.
Về thực hiện kế hoạch đầu tư công, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư sớm đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB, bàn giao mặt bằng cho dự án nạo vét xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, nạo vét lòng dẫn tuyết thoát lũ sông Hoàng Long, xây dựng công viên động vật hoang dã quốc gia cho các đơn vị để tổ chức thi công; xem xét, bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án xử lý sự cố, xử lý đột xuất công trình PCLB...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã phát biểu ý kiến thảo luận tập trung vào vấn đề: Giải pháp nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích; nâng cao đời sống nhân dân; thay đổi tư duy xây dựng NTM, giảm tối thiểu quy mô, kết cấu, biện pháp thi công các công trình, giảm mức đầu tư, tránh nợ đọng.
Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; rà soát lại các dự án lớn, xác định điểm dừng kỹ thuật để giãn, hoãn; đẩy nhanh tiến độ tư vấn các dự án ODA; làm tốt công tác quy hoạch…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến nhấn mạnh: Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhưng 8 tháng đầu năm, tất cả các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp Ninh Bình đều tăng.
Có được thành tích này phải ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm của ngành NN&PTNT, cùng với đó là nhanh nhạy, sự nỗ lực của người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại như: Lao động làm việc trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao; việc tích tụ ruộng đất còn chậm đang cản trở nền sản xuất hàng hóa phát triển.
Trong nông dân và một bộ phận cán bộ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Việc chủ động xây dựng các mô hình mới vẫn còn nhiều vướng mắc. Các HTX nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Quá trình xây dựng NTM còn gặp không ít khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế...
Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành NN&PTNT cần tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu lại sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực.
Đối với vùng sản xuất lúa tập trung ở huyện Yên Khánh và 1 phần các huyện Kim Sơn, Yên Mô, tỉnh sẽ có các chính sách bảo hộ, duy trì, đảm bảo an ninh lương thực; có chính sách hỗ trợ về giống lúa để có những bộ giống mới cho năng suất, chất lượng cao.
Riêng các vùng sản xuất lúa không ăn chắc, vùng cấy 1 vụ lúa, nuôi 1 vụ cá nên chuyển sang quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Các vùng canh tác khó khăn thì chuyển hướng sang trồng các loại cây làm thức ăn cho chăn nuôi...
Trong chăn nuôi, phát triển theo các mô hình gia trại, trang trại với yêu cầu có định hướng, có quy hoạch và đảm bảo cách xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường.
Về cơ chế, tỉnh sẽ tiếp đảm bảo hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như điện, đường; thông tin dự báo thị trường; đầu tư công nghệ cao; phòng chống dịch bệnh tập trung... Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đối với xây dựng NTM cần phải đi vào thực chất, tránh chạy theo thành tích. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi, đổi mới phong cách làm việc; quan tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ cho phù hợp, đảm bảo dân chủ, phát huy được năng lực, sở trường của từng người.
Đối với những kiến nghị của Sở, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các ngành xem xét, báo cáo UBND tỉnh.
Hà Phương-Đức Lam