Đoàn dâng hương viếng Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi.
Cách đây 45 năm, khi nghe tin Bác Hồ đi xa, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Châu Thới nói riêng, không ai cầm được nước mắt. Ðảng bộ và nhân dân xã Châu Thới đã biến đau thương thành hành động, thể hiện tấm lòng thương tiếc Bác, tin tưởng vào cách mạng, vào chiến thắng bằng việc huy động sức người, sức của xây dựng Ðền thờ Bác.
Mặc dù Mỹ - ngụy tìm mọi cách ngăn chặn, bắt bớ người dân, nhằm phá hoại việc xây dựng Ðền thờ Bác Hồ, song Ðảng bộ, quân dân xã Châu Thới nói riêng, huyện Vĩnh Lợi nói chung không ngại hy sinh, gian khổ, huy động hàng trăm lượt cán bộ, nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng Ðền thờ Bác Hồ ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đúng dịp kỷ niệm sinh 82 năm ngày sinh của Bác (19/5/1972), Đền thờ được khánh thành trở thành biểu tượng của lòng quyết tâm theo Ðảng, theo Bác, thực hiện đến cùng mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người dân Nam bộ...
Đến năm 1998, Đền thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Đền đã hoàn thành giai đoạn I của quá trình trùng tu, tôn tạo lại bên bờ sông Bà Chăng với tổng diện tích hơn 45.000m2, trong đó khu Đền thờ Bác có diện tích 6.000m2.
Ở phía trước đền thờ, có tháp sen cao và bức phù điêu đề 2 câu thơ: "Cơm no áo ấm nhờ ơn Đảng / Độc lập tự do nhớ Bác Hồ". Phía sau đền có nhà trưng bày với trên 300 tài liệu, hiện vật và hình ảnh tập trung hai chủ đề chính: cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quân dân xã Châu Thới chiến đấu bảo vệ Đền thờ Bác. Ngoài ra, di tích còn có vườn hoa, hội trường để chiếu phim tài liệu giới thiệu với du khách khái quát về lịch sử của quân và dân Châu Thới chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Đền.
Đền thờ Bác đã trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng kiên cường của cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kính cẩn dâng hoa, dân hương trước anh linh của Bác, hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng thế mạnh, xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nhân dịp này, đoàn đã tặng khu di tích đôi lục bình bằng đồng thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiều cùng ngày, đoàn đã dự lễ khánh thành khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu tại phường 2 (thành phố Bạc Liêu). Khu lưu niệm được xây dựng trên 12.500m2, tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng với nhiều hạng mục như: Nhà sân khấu biểu diễn đờn ca tài tử; Nhà trưng bày các tranh, ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự phát triển của "bài ca vua"; tượng nghệ nhân Cao Văn Lầu; Vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc…
Đặc biệt, trong khuôn viên công trình, tại biểu tượng đài ống tre, có hình ảnh chiếc đàn kìm - biểu tượng của đờn ca tài tử Nam bộ, gắn liền với nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người con của tỉnh Bạc Liêu. Chiếc đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Xung quanh vòng đài ống tre được khắc họa trên chất liệu đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn.
Điểm nổi bật tại đây là các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2,4,8,16,32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi.
Công trình là sự ghi nhận công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của nghệ nhân Cao Văn Lầu cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, tiền thân của bài vọng cổ trên sân khấu cải lương ngày nay. Tại lễ khánh thành, tỉnh Bạc Liêu đã đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu lưu niệm là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Sáng 25/4, trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất, đoàn công tác của tỉnh đã dự lễ khai mạc triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh thời sự-nghệ thuật.
Triễn lãm ảnh thời sự - nghệ thuật trưng bày 5 bộ ảnh với trên 300 tác phẩm đặc sắc được tuyển chọn từ những cuộc vận động sáng tác, cuộc thi của các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu, thể hiện vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới. Đặc biệt, triển lãm còn có bộ ảnh gồm 20 tác phẩm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người tỉnh Ninh Bình kết nghĩa.
Ngoài ra, triển lãm cũng sẽ giới thiệu và trưng bày những bức ảnh từ cuộc thi "Khoảnh khắc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014" với những bức ảnh ghi lại các hoạt động diễn ra tại Festival từ khi khai mạc đến khi kết thúc.
Cùng ngày, đoàn đã tham quan dự án Điện gió Bạc Liêu; khu Quan âm phật đài; gian hàng của sở Công thương tỉnh Ninh Bình tại hội chợ Thương mại - Du lịch Bạc Liêu và một số hoạt động khác của Festival.
Đoàn thăm gian hàng của sở Công thương tỉnh Ninh Bình tại hội chợ Thương mại - Du lịch Bạc Liêu.
Nhân dịp chuyến công tác, đoàn đã gặp mặt và tặng quà đại diện Ban chấp hành Hội đồng hương tỉnh Ninh Bình tại Bạc Liêu.
Tin, ảnh: Quốc Khang