Buổi gặp ban đầu không có nhiều thời gian nên tôi chỉ biết ông là một cán bộ của huyện, am tường về lịch sử, truyền thống quê hương. Nhưng rồi sau này khi có dịp được tiếp cận nhiều tác phẩm của ông, tôi mới thêm hiểu ông, một con người xuất thân từ đất Bồng Châu- vốn được mệnh danh là đất "sùng thượng văn học". Chính vì lẽ đó mà trong suốt cuộc đời, ông đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm, trí tuệ và sức lực để sưu tầm, viết nên các tác phẩm hết sức ý nghĩa về vùng đất mà ông sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Một chiều đông nắng nhạt, thong thả đưa chúng tôi đi thăm các di tích lịch sử của quê nhà: đình và chợ Xanh, nhà thờ họ Đỗ Thế Duệ, chùa Đọ… Ông đã kể cho chúng tôi nghe về nguyên cớ dẫn ông đến với lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa. Được sinh ra trên mảnh đất Bồng Châu (nay gồm 5 xã Khánh Thiện, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Công và thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên), ngay từ khi còn bé, tuổi thơ của cậu bé Đỗ Trọng Am đã ngập tràn trong những câu hò, vè, thơ ca của làng quê Bắc Bộ.
Theo ông bà kể lại, Bồng Hải là đất học nên có trường dạy học từ rất sớm. Nơi đây cũng là nơi gặp gỡ, bồi dưỡng những nhân tài. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, các nhà giàu có trong vùng đã đón các cụ nghè, ông cử về nhà để xin bài thơ, bức đối, bức đại tự… Việc làm này dần phổ biến, trở thành sở thích của nhân dân trong vùng. Bên cạnh đó, Bồng Hải có phong trào thơ ca nhân dân khá phát triển. Nội dung của các bài thơ hầu hết đều tập trung tuyên truyền, kêu gọi người dân giữ gìn thuần phong mỹ tục, nếp nhà, nhắc nhở con cháu giữ đạo hiếu trung, bài trừ nạn cờ bạc, nghiện hút…
Nhiều bài thơ được cải biến thành lời ru, tiếng ca bên cánh võng, trên giường đay, ngoài đồng nội… vừa dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Tuổi thơ ấu của cậu bé Đỗ Trọng Am không chỉ gắn bó với thơ ca được bà, được mẹ à ơi bên cánh võng, cậu còn được nghe người lớn đọc và giảng giải nội dung các văn bia, sắc phong, bằng sắc, về lịch sử, truyền thống của làng, của vùng đất… mỗi khi lên đình, chùa chơi.
Do đó, từ bé Đỗ Trọng Am đã yêu và luôn muốn tìm hiểu ngọn nguồn các nét đẹp văn hóa của quê hương mình. Năm 1961 khi đang theo học trường Sư phạm cấp II Ninh Bình, Đỗ Trọng Am đã vinh dự đạt giải tại kỳ thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh. Trở thành thầy giáo của trường cấp 2 Yên Khánh, rồi trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau: Cán bộ văn hóa, làm công tác văn phòng, đài truyền thanh, giảng dạy tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, công việc nghiên cứu lịch sử văn hóa đối với anh luôn song hành. Năm 1970, khi cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh tương đối hoàn chỉnh, Đỗ Trọng Am với tình cảm của mình đã diễn ca hóa thành tác phẩm thơ "Bài ca mừng Đảng 40 tuổi" với trên 400 câu thơ lục bát và lục bát biến thể. Tác phẩm được Ty Văn hóa thông tin xuất bản hơn 200 cuốn và phát hành rộng rãi trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, phải đến khi ông xuất bản cuốn "Bồng Châu, văn hóa và sự tích", cái tên Đỗ Trọng Am mới được nhiều người biết đến với sự thán phục vì chặng đường nghiên cứu miệt mài, sáng tạo và tâm huyết mà ông đã trải qua để cho ra đời nên cuốn sách.
Theo tác giả, để xuất bản được cuốn sách này, ông đã dành khoảng 6-7 năm để tìm hiểu tư liệu. Đó chính là những câu chuyện được nghe kể lại từ các cụ cao niên trong làng, ngoài xã, là ký ức tuổi thơ được ông bà, cha mẹ kể lại, đó còn là những văn bia, sắc phong, bằng sắc ở đình, chùa, các di tích, nơi thờ tự của các dòng họ… Để đọc được nguồn tài liệu bằng chữ Hán, trước kia ông thường nhờ người cao tuổi am hiểu về chữ Hán dịch giúp. Sau này, để phục vụ cho công việc tìm hiểu, ông đã tự mày mò học chữ Hán và đã có lưng vốn kha khá đủ để đọc được các văn bia, sắc phong…
Với "Bồng Châu, văn hóa và sự tích", người đọc dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa ở mọi khía cạnh: từ lịch sử vùng đất, nghề truyền thống, nhân tài, sự học… cho đến vật phẩm làng quê, đình, chùa và lễ hội. Đây cũng là cuốn sách giúp ông giành "cú đúp" giải thưởng: Giải thưởng của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1995 và giải nhì (không có giải nhất) Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình năm 1997.
Sở hữu 11 đầu sách, trong đó có 4 tác phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa, 2 tập lịch sử, 5 tập thơ, diễn ca và chèo, nhiều tác phẩm của ông được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao về sự dày công nghiên cứu, sưu tầm. Tiêu biểu là các tác phẩm: "Địa chí văn hóa Yên Khánh", "Bồng Châu, văn hóa và sự tích", "Văn hóa dòng họ Việt Nam", "Sông núi và nhân vật đất Yên Mô"…
Nhiều tác phẩm của ông khi ra mắt bạn đọc đã nhận được những phản hồi tích cực. Ông đã nhận được những lá thư của những người con quê hương xa quê, đang sinh sống ở nước ngoài động viên, khích lệ, góp ý cho cuốn sách. Thậm chí, có bạn đọc là Việt kiều đã xin được ủng hộ kinh phí để ông tái bản cuốn sách. Đó là động lực để ông luôn gắn bó với công việc thầm lặng của một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa. Theo dõi quá trình nghiên cứu của Đỗ Trọng Am, điều dễ nhận thấy là không chỉ quê hương ông, vùng đất Bồng Châu văn hiến mới là nguồn đề tài vô tận cho các tác phẩm. Mà mỗi vùng đất, địa phương khi ông đặt chân đến, gắn bó với nó thông qua các công việc được giao cũng luôn là nguồn đề tài hấp dẫn.
Trong suốt cuộc đời công tác của mình, ông đã có hơn chục năm gắn bó với mảnh đất Yên Mô, khi ở vị trí công tác là Trưởng đài truyền thanh huyện, Chánh văn phòng UBND huyện, thường trực HĐND huyện. Chính trong quá trình công tác tại Yên Mô, ông đã hình thành nên tác phẩm "Sông núi và nhân vật đất Yên Mô", được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đón nhận. Đây cũng được coi là cuốn sách quý cho những ai muốn tìm hiểu về con người, vùng đất Yên Mô nhiều năm về sau. Với tác phẩm này, Đỗ Trọng Am vinh dự được nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình năm 2003.
Bắt tay vào công việc của một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa từkhi còn thanh niên, nay đã hơn 70 tuổi đời. Về nghỉ hưu, công việc nghiên cứu lịch sử văn hóa của ông vẫn đang còn tiếp tục. Ông đã dành thời gian giúp một số địa phương trong huyện hoàn thành cuốn lịch sử Đảng bộ xã, tham gia biên soạn "Địa chí Ninh Bình"… Hiện ông đang ấp ủ xuất bản cuốn "Tràng An tạp bút", tập thơ lục bát…
Hy vọng người, người đọc sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm có giá trị của nhà nghiên cứu Đỗ Trọng Am.
Bùi Diệu